Thông tin của Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP HCM, cho thấy số lượng các vụ cướp, cướp giật hiện nay giảm so với cùng kỳ và giảm so với các năm trước, giảm cả về tính chất vì trước đây còn có cướp có vũ trang. Theo tôi, ý kiến này đã bao quát toàn cảnh dựa trên báo cáo chung với các số liệu tổng hợp của Công an TP HCM nhưng lại không phản ánh đúng tình trạng thực tế trên địa bàn TP.
Thường trực nỗi lo trộm, cướp
Nếu hỏi một câu chung cho người dân hiện đang sinh sống tại TP HCM trong vòng 10-15 năm qua là đã từng bị trộm, cướp, cướp giật chưa? Tôi tin câu trả lời "có" chiếm đa số. Chưa có điều kiện thống kê trên diện rộng của toàn TP hay tại một quận nào đó nhưng khảo sát cá nhân trong vài chục người theo hình thức lan tỏa thì kết quả là hầu như ai cũng thường trực nỗi lo sợ bị cướp, cướp giật khi ra đường.
Băng trộm nhí ở huyện Bình Chánh vừa bị Đội Hình sự Đặc nhiệm Hướng Nam thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP HCM tóm gọn Ảnh: PHẠM DŨNG
Rình rập đâu đó, ở bất kỳ vị trí nào khi lưu thông trên đường, thời điểm nào trong ngày cũng đều có nguy cơ bị giật dọc từ những kẻ chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Hình thức, thủ đoạn không quá đa dạng trong hành vi cướp giật khi xe máy là phương tiện chính được bọn xấu sử dụng, tài sản dễ bị chiếm đoạt nhất là điện thoại, dây chuyền, giỏ xách, có nhiều trường hợp là xe máy. Cũng không ít trường hợp bị cướp bằng hình thức đe dọa hoặc dùng vũ lực tức khắc để khống chế hay làm tê liệt tinh thần nạn nhân để cướp tài sản.
Quyền của người dân là được sống trong yên bình và an toàn, được pháp luật bảo vệ khi bị xâm hại một cách trái phép. Tuy nhiên, hệ số an toàn trong cuộc sống tại TP HCM hiện nay rất thấp. Tôi hiểu rằng đây là vấn đề nhức nhối của lãnh đạo TP, đặc biệt đối với ngành công an. Bởi việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội là chức năng cơ bản của ngành. Nạn cướp trỗi dậy đồng nghĩa với việc ngành công an chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Nhiều lần, người dân TP được giải thích nguyên nhân chính dẫn đến trộm, cướp là do các đối tượng nghiện ma túy sử dụng hình thức này như một nghề nghiệp để thỏa mãn nhu cầu. Bên cạnh đó còn do sự lơ đãng của chủ tài sản cũng như hệ thống đường sá đông đúc, phức tạp…
Vẫn cần "hiệp sĩ đường phố"
Để hạn chế tệ nạn trộm, cướp, dĩ nhiên là cần giải pháp đồng bộ từ người dân (phải tự bảo vệ tài sản, không mang các tài sản có giá trị ra đường) và cơ quan bảo vệ pháp luật (tăng cường lực lượng thường phục để tuần tra trên đường). Bên cạnh đó, tôi cho rằng phải trao cho các lực lượng chuyên nghiệp cơ chế riêng để trấn áp tội phạm mà không chỉ áp dụng quy định pháp luật trong các quy định về phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết một cách thông thường. Họ có thể phản ứng sớm hơn hay hành vi trấn áp được phép mạnh hơn với sự đe dọa của những đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội.
Ngoài ra, cần trang bị hệ thống camera trên đường phố lẫn các khu phố để làm cơ sở phát hiện hoặc điều tra tội phạm nhanh chóng và triệt để. Tất nhiên, vẫn cần duy trì "hiệp sĩ đường phố" để gia tăng đội ngũ phát hiện hành vi phạm tội cướp, trộm và phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết. Một vụ cướp giật xảy ra chỉ trong tích tắc, từ vài giây đến vài chục giây hay vài phút là rất nhanh cho việc phối hợp ứng phó. Vì vậy, thời điểm này rất cần một lực lượng đông đảo trong xã hội có tinh thần hiệp sĩ để phát giác, đánh động hay báo hiệu nhưng hạn chế trực tiếp xử lý vì tính nguy hiểm bởi các đối tượng liều lĩnh. Quy định pháp luật hiện nay đã mở rộng ra trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự khi gây ra thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội theo điều 24 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, nội dung điều luật còn rất cơ bản nên cần có hướng dẫn dưới luật cụ thể, chi tiết hơn, xác định được khi nào thì được dùng vũ lực cần thiết, mức độ hay vũ khí nào được sử dụng…
Ở góc độ xử lý bằng hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự, pháp luật hiện đã khá đầy đủ các loại hành vi, tội danh và mức hình phạt nghiêm khắc; chỉ còn việc thực hiện nghiêm khắc các chế tài tương ứng để bảo đảm được tính trừng trị và giáo dục.
Các cơ quan xét xử trên cơ sở quy định của các điều luật cần có mức án nghiêm khắc hơn nữa để làm chùn tay, sợ hãi đối với những kẻ có ý định phạm tội.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-5
Bình luận (0)