Liên quan đến clip bé trai 5 tuổi ở Bình Dương bị bạo hành, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho rằng rất đau xót khi xem đoạn clip này.
"Đó là một hành động không thể chấp nhận được, trẻ em là đối tượng yếu thế, các cháu không thể chống cự, không thể bỏ chạy một khi cha hoặc mẹ, cha dượng hay mẹ kế ra tay tàn độc. Do đó, cộng đồng cũng cần quan tâm, nếu thấy các cháu bị bạo hành cần quay clip làm bằng chứng để pháp luật có cơ sở vững chắc xử lý. Đồng thời nhanh chóng gọi đến công an phường, xã hoặc đường dây nóng của địa phương nơi cư trú để can thiệp kịp thời, giải cứu các cháu bé thoát khỏi sự đầy đọa của người lớn", bà Ninh Thị Hồng nói.
Bé trai van xin nhưng vẫn bị đánh đập dã man
Theo bà Ninh Thị Hồng, các gia đình cần chú ý đối với các trường hợp ly hôn, ly thân mà có con nhỏ. Nếu cảm thấy cuộc sống của cha hoặc mẹ các cháu khó khăn quá thì ông bà cũng phải có trách nhiệm đối với các cháu để tránh trường hợp các cháu bị bạc đãi.
Nói về việc xử lý kẻ đã đánh cháu bé, bà Ninh Thị Hồng cho biết: "Trong vụ việc trẻ bị bạo hành ở Bình Dương, chúng tôi sẽ trao đổi trực tiếp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Chúng tôi lên án hành vi tàn độc, hành hạ trẻ của người đàn ông đó; đồng thời đề nghị Công an tỉnh Bình Dương xử lý nghiêm minh, dù cho thương tật của trẻ có bao nhiêu phần trăm đi chăng nữa thì việc bạo hành như vậy sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ rất nặng nề".
Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng Cơ quan CSĐT cần xác minh mối quan hệ giữa người đàn ông này và nạn nhân trong clip để làm cơ sở vững chắc, xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu xác định là quan hệ cha con thì đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm nên tùy vào mức độ, tính chất của việc đánh con, cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 2, Điều 27, Nghị định 144/2013/NĐ-CP, hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần thì sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu hành vi đánh đập, hành hạ đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự như tội "Hành hạ người khác" với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù giam. Hoặc tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình với khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù giam
Trường hợp cơ quan điều tra xác định người đàn ông đó không phải là cha đứa trẻ thì đó là hành vi bạo hành trẻ em. Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Đối với hành hành vi bạo hành trẻ em không gây ra các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên hành vi bạo hành nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2015 bao gồm các tội sau: tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác"; tội "Vô ý làm chết người"; tội "Giết người"; tội "Hành hạ người khác", luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi phân tích.
Trước đó, mạng xã hội xôn xao bé N.P.A. (5 tuổi, ngụ phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) bị Lê Hoài Nam (29 tuổi, ngụ quận 8) bạo hành dã man.
Sau khi xác minh, công an đã tạm giữ Lê Hoài Nam để làm rõ vụ việc. Đoạn video dài 4 phút ghi lại cảnh bé A. bị Nam đánh dã man mặc dù bé van xin nhưng Nam không dừng lại và liên tục tát, đánh đập.
Mặc dù có một phụ nữ bé kêu bằng mẹ nhưng khi bé bị đánh người này không can ngăn. Chỉ khi thấy bé bị đánh dã man người phụ nữ này mới chạy tới ôm đứa trẻ.
Bình luận (0)