Gõ từ khóa "bạo hành trẻ mầm non" lên Google, trong 0.43 giây, chúng ta thu được 4,4 triệu kết quả trong đó có cả clip, hình ảnh, bài viết. Đáng nói, đây là các vụ được phát hiện, đưa ra trước công luận, sau đó là pháp luật vào cuộc. Vẫn còn rất nhiều vụ trẻ bị đánh lằn mông, lằn tay, đỏ má vẫn râm ran được bàn tán giữa các phụ huynh (PH) nhưng họ phải nhẫn nhịn cho qua.
Chương trình 30 tiết, yêu cầu dạy 5 tiết
Nguyên nhân của tình trạng này đã được các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục thảo luận, chỉ ra rõ ràng như khâu đào tạo bảo mẫu, giáo viên (GV) ở nhiều nơi còn lỏng lẻo, đặc biệt ở các hệ liên thông, liên kết với các trung tâm, công ty giáo dục. Tôi đã từng được đồng nghiệp kể về việc có một công ty liên kết đào tạo với một trường ĐH vùng về nghiệp vụ GV mầm non mời cô dạy môn tâm lý học 30 tiết (trên giấy) nhưng yêu cầu dạy thực tế chỉ có 5 tiết. Lý do: công ty tiết kiệm chi phí trả thù lao cho giảng viên và học viên thực ra cũng… lười học.
Nếu soi kỹ các vụ bạo hành trẻ mầm non thì phần lớn các vụ có người vi phạm là bảo mẫu không qua đào tạo, GV được đào tạo ngắn hạn. Ở các khóa ngắn hạn và đào tạo bát nháo thế này, việc thực tập gần như là chiếu lệ. Trong bối cảnh thiếu GV mầm non trầm trọng ở các nhóm trẻ, trường tư thục nhỏ thì các đối tượng học viên trên đều có cơ hội tuyển dụng. Bi kịch bắt nguồn từ đây.
Vấn đề đáng báo động khác là từ nhu cầu trường mầm non lớn mà nhiều người học xong các chương trình đào tạo giáo dục mầm non không đạt chuẩn đã đầu tư mở trường tư nhỏ, nhóm trẻ. Đây cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ vi phạm cao.
Câu chuyện đào tạo trên cũng nói lên sự lỏng lẻo, yếu kém trong công tác quản lý việc đào tạo nhân lực và hoạt động của các trường mầm non của các cơ quan quản lý giáo dục các cấp. Việc thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc khi có chuyện xảy ra đã không làm cho tình hình bạo hành trẻ được giảm thiểu. Giải pháp lắp camera thực chất cũng không làm trách nhiệm, tình thương hay nghiệp vụ của GV tăng lên bởi vì nếu GV muốn bạo hành trẻ thì họ vẫn có thể đưa trẻ đến các khu vực camera không ghi hình được.
Cơ sở mầm non Mầm Xanh (quận 12, TP HCM), nơi xảy ra vụ bạo hành trẻ em được phát hiện hồi tháng 11-2017. Ảnh: Sỹ Hưng
Một nguyên nhân lớn nữa đến từ nhận thức nói chung của cả GV và PH về phương pháp giáo dục trẻ. Dù rất nhiều chuyên gia khuyến cáo về việc không được dùng sự mắng chửi lẫn roi vọt để giáo dục trẻ nhưng nhiều GV và PH vẫn giữ quan điểm cũ cho rằng "thương cho roi, cho vọt", "trẻ con không uốn nắn nghiêm khắc thì sẽ hư hỏng". Việc mắng mỏ, la rầy, bỏ rơi trẻ đã không được xem là hình thức bạo hành. Vì thế, ban giám hiệu nhiều trường và PH dù biết cô giáo phạt khẻ tay, nhéo tai, bóp miệng đổ thức ăn vẫn cho qua. Nhiều tình huống bạo hành được xem là bình thường nên chỉ khi vô cùng nghiêm trọng, gây thương tích nặng nề cho trẻ thì mới được phát hiện và xử lý.
Cả xã hội phải vào cuộc
Để chấm dứt tình trạng bạo hành trong trường mầm non, các lực lượng trong xã hội đều phải vào cuộc. Điều cần thay đổi đầu tiên chính là nhận thức của từng PH, từng GV về cách thức giáo dục trẻ tích cực, không dùng roi vọt và trừng phạt mà bằng tình thương, kỷ luật kiên định nhưng tử tế. Để họ thay đổi thì các giảng viên sư phạm, chuyên gia giáo dục cần thực hiện các chuyên đề đào tạo bổ sung về phương pháp giáo dục mới, kỷ luật tích cực, cách thức xử lý hành vi chưa phù hợp của trẻ. Cả PH cũng phải tham gia vào việc giáo dục trẻ, hợp tác với GV để phát triển nhân cách của trẻ theo chiều hướng tích cực. Việc không thỏa hiệp với bất cứ hình thức bạo hành nào với trẻ của toàn thể xã hội mới giúp chấm dứt các vụ việc đau lòng này.
Công tác quản lý các chương trình đào tạo GV mầm non cần phải siết chặt. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan phải thanh tra, kiểm tra lại và sẵn sàng rút giấy phép của các nơi kém chất lượng.
Việc đào tạo GV mầm non ban đầu là không bao giờ đủ, họ cần được tiếp tục đào tạo nghiêm túc bằng các khóa bồi dưỡng chuyên môn có chất lượng, không phải kiểu hình thức như hiện nay.
Bình luận (0)