Thời gian qua, nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non (MN) liên tiếp xảy ra dù sau mỗi vụ, cơ sở bị đóng cửa, người bạo hành bị xử lý hình sự. Cũng đã có nhiều bài báo và chuyên gia phân tích, mổ xẻ nguyên nhân, đi tìm giải pháp nhưng rồi tình trạng bạo hành vẫn không chấm dứt.
Vậy nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này là gì? Có thể xử lý dứt điểm được không? Cần điều kiện gì trong việc tuyển chọn giáo viên (GV), cấp chứng chỉ sư phạm MN…?
Môi trường làm việc nhiều áp lực
Một trong những nguyên nhân khiến GV, người nuôi dạy trẻ ở các cơ sở giáo dục (GD) MN thường xuyên căng thẳng đó là áp lực công việc. GV phải trải qua một ngày làm việc kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối, tất bật chăm sóc trẻ từ miếng ăn đến giấc ngủ, vệ sinh, hướng dẫn trẻ trong các hoạt động học tập và vui chơi. Chưa kể, những trẻ có vấn đề về sức khỏe thường hay quấy khóc, ăn uống khó khăn. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần, ngày nào đó có thêm chuyện buồn cá nhân sẽ khiến tinh thần của GV căng thẳng, nếu không biết cách kiềm chế, trẻ có nhiều nguy cơ thành "bao cát giải sầu" từ chính người nuôi dạy mình.
Ở những nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, bên cạnh vấn đề áp lực công việc, GV thường gặp khó khăn khi tìm kiếm sự thấu hiểu từ cha mẹ của trẻ và sự tôn trọng cần thiết của cấp trên. Ngoài ra, lương thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn, phụ cấp thấp hơn trường công lập cũng là những nguyên nhân khiến tình trạng căng thẳng gia tăng ở đối tượng này.
Đào tạo dễ dãi, cấp phép đơn giản
Những căng thẳng trên hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu GV được đào tạo bài bản, trong quá trình học tập được học các kỹ năng kiềm chế cảm xúc, thấu hiểu tâm sinh lý trẻ hoặc tham gia thực hành nuôi dạy trẻ tại các cơ sở MN trong một thời gian dài. Đáng lo ngại là nhiều cơ sở đào tạo hiện nay vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên chất lượng về đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và chất lượng đầu vào của học viên. Tình trạng liên kết đào tạo giữa các trường có chức năng và công ty giáo dục tràn lan, khó kiểm soát dẫn đến chất lượng đào tạo giảm sút. Thậm chí, một vài chương trình đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ bảo mẫu MN chỉ diễn ra vỏn vẹn 2 tháng cho đối tượng học là những người có trình độ từ THCS trở lên.
Chính quá trình đào tạo, cấp chứng chỉ dễ dàng, không được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến tình trạng các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục mọc lên như nấm. Theo quy định hiện nay, ngoài các yếu tố cơ bản khác thì cơ cấu tổ chức ở nhóm, lớp này chỉ cần một tổ trưởng chuyên môn. Tổ trưởng chuyên môn có thể là chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập và chỉ cần có bằng tốt nghiệp từ trung cấp sư phạm MN trở lên và có các chứng chỉ, nghiệp vụ liên quan đi kèm. Điều kiện cấp phép dễ dãi khiến việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với nhóm, lớp này gặp nhiều khó khăn. Trong khi thực tế đã chứng minh những người có hành vi bạo hành trẻ thường rơi vào nhóm không có bằng cấp hoặc có bằng cấp mang tính chất đối phó.
Vụ bạo hành trẻ em tại Nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (TP Đà Nẵng) được dư luận xã hội quan tâm Ảnh: Bích Vân
Giải pháp nào?
Trước hết, về phía cha mẹ của trẻ, khi lựa chọn trường cho con, cần tìm hiểu kỹ, nhất là các cơ sở ngoài công lập. Hãy mạnh dạn hỏi giấy phép hoạt động, bằng cấp của đội ngũ GV, đồng thời xem qua chương trình học, thực đơn ăn cho bé và nhất thiết phải tham quan cơ sở vật chất một cách thấu đáo. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể chọn trường có gắn camera để tiện kiểm tra việc học của con. Nếu được, trước khi quyết định cho bé nhập học, có thể lựa giờ đón trẻ ra về để dễ dàng tiếp cận cha mẹ có con em đang học tại trường hỏi trước các thông tin có liên quan đến sự an toàn của trẻ.
Đứng ở góc độ quản lý, chúng ta nên quan tâm đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chứ không đơn thuần chỉ chú trọng việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đối với cơ sở GDMN. Những nhà quản lý cần quy định tiêu chuẩn người dạy, người học, chương trình học và các tiêu chuẩn hành nghề trong lĩnh vực GDMN một cách nghiêm ngặt để tránh tình trạng đào tạo tràn lan, thiếu chất lượng. Ngoài ra, các chế độ lương, thưởng, phụ cấp, môi trường làm việc cho đối tượng là GVMN ngoài công lập cũng cần được chú ý, tránh những căng thẳng không cần thiết cho họ. Tất nhiên về lâu dài, nhà nước và xã hội phải đặt đúng vị thế của hoạt động GDMN, xem đây là bậc học quan trọng trong hệ thống giáo dục, từ đó mới có các chính sách đặc biệt cho loại hình đào tạo này.
Cha mẹ cần quan tâm con
Các bậc cha mẹ cũng nên xem lại trách nhiệm của mình khi có con trẻ bị bạo hành. Nếu cha mẹ thường xuyên gần gũi, dành thời gian chơi đùa, lắng nghe con thì cơ hội phát hiện các nguy cơ bạo hành từ GV là khá lớn. Bởi vì, khi được yêu thương, quan tâm, trẻ sẽ xem cha mẹ như bạn, nói ra những sợ hãi của mình. Ngoài những hình thức bạo hành thân thể dễ phát hiện, có những kiểu bạo hành tinh thần rất tinh vi, nguy hiểm, tổn hại tâm lý lâu dài đối với trẻ như dọa: "Nếu không ngủ, con ma sẽ tới bắt", "Không ăn ngoan, cô sẽ kêu phù thủy xấu xí tới đút"…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ trả lời về bạo hành trẻ mầm non
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ngày 6-6 sẽ đăng đàn trả lời 3 nhóm vấn đề các ĐB Quốc hội chất vấn là thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Liên quan đến quản lý giáo dục mầm non, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận tại một vài cơ sở giáo dục mầm non vẫn xảy ra tình trạng mất an toàn đối với trẻ, một số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ứng xử đối với trẻ chưa chuẩn mực, cá biệt có một số vụ việc giáo viên mầm non có hành vi bạo hành trẻ. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (nhóm lớp độc lập tư thục), làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ và gây lo lắng và bức xúc trong dư luận xã hội. Để khắc phục tình trạng này, ông Nhạ cho hay sẽ có giải pháp hiệu quả trong giám sát, phát hiện hành vi bạo hành trẻ cũng như những vi phạm trong quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là đối với các nhóm, lớp độc lập tư thục; xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.
Nhiều giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh, tránh việc học sinh vi phạm pháp luật; ứng xử thiếu văn hóa; học sinh mất phương hướng, kỹ năng sống hạn chế dẫn đến tự tử do sức ép thành tích học tập từ gia đình cũng như giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội cũng sẽ được bộ trưởng đề xuất.
Y.Anh
Bình luận (0)