Ngày 6-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị toàn quốc với sự tham dự của 18.000 đại biểu bàn về các giải pháp bảo vệ trẻ em (BVTE) trước các hành vi bạo lực, xâm hại và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trẻ em. Điều này chứng tỏ nhiệm vụ BVTE nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và toàn xã hội.
Có thể nói tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em (XHTE) gần đây đang gia tăng hết sức đáng lo ngại, gây hoang mang trong xã hội. Trong khi đó, các cơ chế, biện pháp BVTE tỏ ra kém hiệu quả, chế tài đối với hành vi bạo lực, XHTE chưa nghiêm, sự vào cuộc của cơ quan chức năng chưa kịp thời...
Trong rất nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân do chúng ta có quá nhiều cơ quan có chức năng BVTE nhưng hiệu quả hoạt động không cao, có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm vào cuộc xử lý các sai phạm, chưa bảo vệ hiệu quả, kịp thời trẻ em bị xâm hại. Thậm chí, nhiều vụ việc xảy ra nhưng không có cơ quan nào vào cuộc xử lý kịp thời và chịu trách nhiệm đối với tình trạng XHTE, chỉ đến khi lãnh đạo cấp cao yêu cầu, vụ việc mới được giải quyết rốt ráo và có kết quả cụ thể.
Thiết nghĩ, để BVTE trước hành vi xâm hại, chỉ nên giao cho một cơ quan làm đầu mối và trao thêm quyền hạn cho cơ quan này, có thể là ngành lao động, thương binh và xã hội. Như vậy, sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em, góp phần xử lý nhanh chóng, kịp thời các vụ vi phạm xảy ra. Mặt khác, có điều kiện tập trung đầu tư nguồn lực, nhân lực cho cơ quan đầu mối này.
Ngoài ra, như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND cấp xã cần bố trí ngay người làm công tác BVTE trong số công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách để có thể theo dõi, nắm bắt, báo cáo tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn nhằm kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Bình luận (0)