xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bất chấp, rác vẫn "bôi bẩn" khắp nơi (*): Singapore giữ môi trường xanh, sạch như thế nào?

Bài và ảnh: Lê Nam (từ Singapore)

Từ một làng chài, chỉ 57 năm sau, Singapore được cả thế giới biết đến là một quốc gia xanh và sạch. Điều gì đã làm nên kỳ tích này?

Tỉ lệ khoảng xanh ở quốc đảo này khá lớn với 47% diện tích đảo. Đường phố lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp. Để gìn giữ môi trường chung trong sạch, Singapore đã liên tục ra các quy định, hình thức chế tài buộc người dân tuân thủ.

Phạt nặng để làm gương

Đầu tháng 7-2022, trong một cuộc họp Quốc hội, bà Grace Fu - Bộ trưởng Môi trường và Bền vững Singapore - cho biết chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, có tổng cộng 7.400 trường hợp vi phạm bị phạt, con số này cùng kỳ năm trước là 7.800 vụ.

Ở Singapore, việc khạc nhổ, xả rác ở nơi công cộng là điều tối kỵ và sẽ bị phạt rất nặng. Quy định và chế tài ở Singapore có hàng loạt, họ nghiêm túc giám sát, xử phạt và phạt nặng để làm gương. 

Hành vi xả rác nơi công cộng bị bắt gặp lần đầu sẽ phạt từ 2.000 SGD (34 triệu đồng), 4.000 SGD cho lần vi phạm thứ 2, nếu tái phạm lần 3 có thể bị phạt đến 10.000 SGD và bị buộc lao động công ích. 

Ngày 12-5-2022, báo chí Singapore đưa tin công dân Singapore Peh Choe Kong bị đưa ra tòa vì có 8 lần vi phạm vứt tàn thuốc lá ra nơi công cộng. Ông này bị phạt 3.600 SGD và bị buộc lao động công ích trong 10 giờ.

Đi vệ sinh công cộng không xả nước bị phạt 150 SGD, ăn uống trên các phương tiện công cộng (xe buýt, tàu điện ngầm...) bị phạt đến 500 SGD. Gây ồn ào, cãi nhau, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng..., bị phạt đến 1.000 SGD. Chó, mèo đi dạo mà phóng uế ở nơi công cộng, chủ nhân không dọn vệ sinh ngay mà để "hậu quả" lại hiện trường sẽ bị phạt đến 1.000 SGD...

Từ tháng 1-2023, thực khách tại các hawker (tạm hiểu là trung tâm ăn uống mang sắc thái văn hóa riêng có của Singapore) không tự trả các khay đựng đồ ăn (ly, tô, chén, muỗng, đũa...) tại các khu vực đã được quy định sẽ bị phạt tiền. Lần đầu vi phạm có thể bị nhắc nhở nhưng nếu tái phạm sẽ bị phạt đến 300 SGD (khoảng 4,9 triệu đồng), thậm chí là phạt tù. 

Lâu nay, ở các hawker luôn có một lực lượng được trả lương để thu dọn khay đựng thức ăn, đồ ăn thừa, lau bàn… Tuy nhiên, tỉ lệ người để khay thức ăn thừa lại quá nhiều, người dọn không hết nên các hawker là địa điểm lý tưởng cho các loại chim đến ăn rồi phóng uế ngay tại bàn ăn. Nhận thức vấn đề này, chính quyền Singapore đã có quy định phạt đến 500 SGD (8,3 triệu đồng) nếu cho chim ăn.

Bất chấp, rác vẫn bôi bẩn khắp nơi (*): Singapore giữ môi trường xanh, sạch như thế nào? - Ảnh 1.

Học sinh trong nhóm tuổi dưới 10 tham quan và tìm hiểu môi trường ở khu bảo tồn MacRitchie (Singapore)

Thay đổi luật, kiên trì tuyên truyền, giáo dục

Ba năm sau khi trở thành quốc gia độc lập, nhà lập quốc Lý Quang Diệu cùng chính phủ Singapore khởi động chiến dịch "Keep Singapore clean" (tạm dịch "Giữ cho Singapore sạch"). Chiến dịch kéo dài 1 tháng, bắt đầu từ ngày 1-10-1968, với mục tiêu biến Singapore trở thành thành phố xanh và sạch nhất trong khu vực bằng cách giải quyết vấn đề xả rác bừa bãi.

Chính phủ Singapore tìm mọi cách tiếp cận với nhiều tầng lớp trong xã hội, hướng dẫn người dân về tầm quan trọng của việc giữ gìn và làm sạch nơi công cộng. Thay đổi trong luật y tế công cộng, di dời và cấp phép cho những người bán hàng rong lang thang và không vệ sinh vào diện được quản lý trong các khu hawker. Kiểm soát hệ thống thoát nước thải phù hợp, thậm chí đến nay họ còn tái sử dụng lượng nước thải từ nhà bếp, nhà vệ sinh để dùng cho công nghiệp. 

Chính phủ Singapore thuyết phục người dân rằng một khi môi trường được cải thiện sẽ không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc mà còn thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch nước ngoài đến Singapore.

Nhiều hoạt động giáo dục công cộng đã liên tục được tổ chức từ năm 1968 đến nay: Những cuộc nói chuyện và thuyết trình của các quan chức y tế, mít-tinh, triển lãm và các bài tập dọn dẹp khu nhà của các tổ chức, cơ sở; chính phủ liên tục tổ chức các cuộc thanh tra và kiểm tra tại chỗ. Họ còn tổ chức những cuộc thi bình chọn văn phòng, cửa hàng, nhà hàng, chợ, nhà máy, tòa nhà chính phủ, trường học và phương tiện công cộng sạch nhất. 

Kết quả của các cuộc thi này đã được công bố công khai, nêu bật cả điểm sạch nhất và bẩn nhất. Các đoạn phim và hình ảnh về cơ sở mất vệ sinh hoặc những người bị bắt quả tang có hành vi xả rác cũng được trình chiếu trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cơ quan Quản lý môi trường quốc gia (NEA) từng công bố chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2010-2014, họ đã chi đến 3 triệu SGD/năm cho các hoạt động của chiến dịch "Giữ cho Singapore sạch". Để giữ gìn môi trường sạch sẽ, Singapore duy trì một lực lượng dọn dẹp khá đông, con số này của năm 2018 đã là hơn 56.000 người, các công ty thực hiện dịch vụ này phải đăng ký với NEA để cấp phép hoạt động.

Vứt bỏ rác cồng kềnh

Ở khu gia đình tôi đang ở có một bảng thông báo về ngày container (dài 20 feet) được kéo đến đặt một góc dễ thấy để cư dân bỏ những món đồ cồng kềnh không dùng nữa như: bàn ghế, giường, tủ... Nếu muốn vứt bỏ những thứ này mà không đúng ngày có container đến, theo quy định, chúng tôi phải trả từ 20-60 SGD/món (một bộ bàn ăn và 4 cái ghế muốn vứt đi, mất hơn 100 SGD).

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-7

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo