ThS TRẦN THỊ NGỌC NHỜ, giảng viên Khoa Đô thị học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM:
Phối hợp, nhất quán trong lý thuyết và hành động
Bảo vệ môi trường là vấn đề chung thuộc về tất cả cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Từ góc độ vi mô, xét về hành vi cá nhân, thực tế không khó bắt gặp những trường hợp thản nhiên vứt rác bừa bãi nơi công cộng, ngay cả khi họ đang tham gia giao thông hay đến các địa điểm du lịch.
Một số gia đình còn "mượn tạm" miệng cống làm nơi vứt rác, trong đó có cả những chất khó phân hủy làm tắc nghẽn, gây ngập cục bộ. Tuy nhiên, cũng không thiếu trường hợp là tấm gương sáng về ý thức gìn giữ và bảo vệ môi trường, bắt đầu từ việc nhỏ nhất như vứt rác đúng nơi quy định.
Để phân tích vấn đề này, cần soi chiếu từ nhiều chiều kích khác nhau nhưng tất cả đều xuất phát từ chính ý thức con người.
Trong một lần sang Nhật Bản công tác, tôi thấy có 6 loại thùng rác để phân loại rác thải và người Nhật làm điều này rất tự nhiên. Nhật Bản là quốc gia chịu nhiều tổn thương về môi trường, thiên tai nên từ rất sớm, họ đã được dạy về ý thức cũng như các kỹ năng để vượt qua và phục hồi. Trẻ em từ nhỏ đã được dạy những bài học gắn bó, thân thiện với môi trường và giữ gìn môi trường cùng với cộng đồng.
Nhà chờ xe buýt thành bãi rác (đường Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh, TP HCM). Ảnh: HOÀNG THÁI HÙNG
Không phải Việt Nam không có những bài học này nhưng có lẽ một phần nào đó, chúng ta còn nghĩ môi trường là chuyện vĩ mô nên cứ xem chuyện ấy nào phải của ta... Đồng thời chưa có sự phối hợp, nhất quán trong lý thuyết và hành động.
Ví dụ, trẻ em trên lớp học thuộc lòng về ý thức bảo vệ môi trường nhưng về nhà hay đi trên đường lại vô tình thấy người thân, người xung quanh làm điều ngược lại. Khi đó, những bài học trên lớp sẽ ngủ yên trong sách vở sau khi kỳ thi qua đi.
Mỗi cá nhân đều trải qua quá trình xã hội hóa cá nhân, mà đầu tiên là gia đình, trường học và xã hội. Một đứa trẻ sẽ tiếp nhận bài học làm người từ chính hai người thầy đầu tiên là cha và mẹ. Do vậy, giáo dục ý thức cho con về bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ chính trong gia đình.
Ngoài ra, ngày nay, báo chí, truyền thông góp một phần không nhỏ trong giáo dục ý thức, tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, trong những năm qua, các cơ quan chức năng cũng có nhiều chương trình vận động người dân tham gia xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp.
Trong triết học có quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa lượng và chất - tích lũy đủ về lượng sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất. Khi tất cả các biện pháp được thực hiện đủ lâu, đồng bộ và nhịp nhàng sẽ làm thay đổi thói quen vứt rác; đến lượt nó, thói quen này lại định hình và chi phối trong cộng đồng, giám sát ngược trở lại những cá nhân vô tình bước ra khỏi khuôn mẫu.
Bạn đọc DUY TRÂN (Hàn Quốc):
Dùng cam kết, quy tắc ứng xử điều chỉnh hành vi
Việc môi trường bị ô nhiễm thì ai cũng biết nhưng ít người nhận thức được nguyên nhân có một phần từ chính mình. Một chiếc đầu lọc thuốc lá, túi ni-lông, hộp sữa… bị thải ra đường là góp phần làm môi trường sống bị hủy hoại.
Thực ra, lâu nay đã có nhiều cách tiếp cận về việc nâng cao ý thức của người dân trong việc đổ rác đúng nơi, đúng chỗ hoặc cao hơn một mức là phân loại rác tại nguồn. Chúng ta không kỳ vọng trong một sớm một chiều xây dựng được thói quen đổ rác, phân loại rác một cách bài bản, quy củ như những nước phát triển nhưng việc hình thành thói quen nên được bắt đầu càng sớm càng tốt.
Có những mô hình xã hội mà chính nó tự điều chỉnh hành vi của những cá thể đơn lẻ thông qua cái gọi là áp lực xã hội. Chẳng hạn ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, nếu vứt rác ra đường mà bị người khác nhìn thấy, họ sẽ ngay lập tức bị nhắc nhở hoặc tệ hơn, phải đóng một khoản tiền phạt kha khá nếu bị trình báo lên chính quyền địa phương.
Thiết nghĩ, chuyện của cộng đồng chỉ có thể giải quyết bởi cộng đồng, từ cộng đồng nhỏ với các đơn vị như thôn, làng, tổ dân phố đến các cộng đồng lớn hơn như xã/phường, huyện/quận… Những cam kết, quy tắc ứng xử trong từng cộng đồng sẽ đóng vai trò điều chỉnh hành vi của từng cá nhân bên trong cho đến khi nó trở thành thói quen và ý thức cộng đồng.
Với đặc tính cộng đồng mạnh, sự gắn kết lớn, tiếp cận việc điều chỉnh thói quen và hình thành ý thức từ góc độ cộng đồng có thể đem lại những tác động to lớn không chỉ về chuyện xả rác mà còn những vấn đề khác.
Chưa "chuẩn" phải "chỉnh"
Có một thực tế cần nhìn nhận là dù công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, cũng có đầy đủ các quy định nhưng hiếm thấy ai bị phạt khi xả rác bừa bãi. Pháp luật không áp dụng hoặc áp dụng không nghiêm nên mới có chuyện xem thường. Dù đã có đầy đủ các quy định mà chỉ tuyên truyền suông, không được thực thi thì cũng như không.
Việc áp dụng các biện pháp cứng rắn, lên án hành vi xả rác bừa bãi như ở Thái Lan và xử lý nghiêm khắc như ở Singapore có thể là một gợi ý. Xử lý nghiêm một người vi phạm sẽ giúp cảnh tỉnh nhiều người khác. Người xả rác bừa bãi bị phạt nặng về hành chính, khắc phục vi phạm, giáo dục bằng hình thức đi nhặt rác, làm sạch môi trường ở nơi khác, nhận sự lên án trên truyền thông đại chúng và những người xung quanh.
Có thể tận dụng hệ thống camera có sẵn để giám sát và làm chứng cứ phạt nguội. Hay cho phép mọi người giám sát và ai cũng có quyền phản ứng với hành vi xả rác bừa bãi. Lúc này, người ta sẽ có cảm giác mọi hành vi vi phạm của cá nhân đều có cộng đồng theo dõi, lên án, từ đó tránh vi phạm, lâu dần sẽ loại bỏ thói quen xấu.
Với các loại rác quảng cáo, khuyến khích người dân từ chối nhận tờ rơi, phát hiện và phản ánh các trường hợp vi phạm. Cơ quan chức năng truy theo số điện thoại để xác minh, xử phạt nặng. Quy trách nhiệm cho chính quyền cơ sở nơi để xảy ra nạn xả rác bừa bãi trên địa bàn mình quản lý.
Trần Văn Tường
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-7
Bình luận (0)