xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bêu tên người tiểu bậy: Chần chờ gì nữa!

Phạm Dũng ghi

Hệ thống quy định pháp luật đã đủ để xử lý hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ môi trường nhưng cần phải có biện pháp thiết thực hơn để đưa những quy định này vào cuộc sống

Đề xuất công khai thông tin đối tượng vi phạm vệ sinh nơi công cộng đã nhận được nhiều ý kiến tham gia của bạn đọc, trong đó có chuyên gia pháp luật, xã hội học.

Tiến sĩ - luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH (Đoàn Luật sư TP HCM):

Vấn đề nằm ở cơ quan quản lý

Căn cứ quy định tại khoản 1 điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2012, các trường hợp công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức VPHC gồm: VPHC về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược, khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; BHXH; BHYT; bảo vệ môi trường (BVMT); thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt VPHC có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.

Nội dung công khai bao gồm cá nhân, tổ chức VPHC, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của UBND cấp tỉnh nơi xảy ra VPHC.


Bêu tên người tiểu bậy: Chần chờ gì nữa! - Ảnh 1.

Cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nặng hành vi tiểu bậy Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Căn cứ quy định tại điểm b, khoản 1 điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT, hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định thì mức phạt có thể từ 1- 3 triệu đồng và hành vi này cũng thuộc VPHC về BVMT.

Vì vậy, việc công khai thông tin cá nhân VPHC là có căn cứ pháp lý đầy đủ. Tuy nhiên, cần lưu ý, việc công khai này không bao gồm việc công khai hình ảnh cá nhân, quyền nhân thân của người vi phạm vẫn được Bộ Luật Dân sự năm 2015 bảo vệ. Ngoài ra, cần xem xét lại việc áp dụng hình thức này có thật sự cần thiết và có góp phần giảm thiểu được tình trạng tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định? Có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến đời sống của người vi phạm, gia đình, người thân của người vi phạm? Vấn đề kinh phí để thực hiện việc này như thế nào? Mối quan hệ giữa kinh phí phải bỏ ra và hiệu quả như thế nào? Những vấn đề này cũng cần phải được làm rõ.

Hiện nay, hệ thống quy định pháp luật đã đủ để xử lý hành vi vi phạm liên quan đến BVMT nhưng cần phải có biện pháp thiết thực hơn để đưa những quy định này vào cuộc sống chứ không chỉ nằm trên bàn giấy.

Thực tế cho thấy từ thời điểm Nghị định số 155/2016/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật đến nay, đã có bao nhiêu trường hợp bị xử lý vi phạm từ phía cơ quan có thẩm quyền? Cơ quan có thẩm quyền đã thật sự quản lý được vấn đề này tại địa phương mình hay chưa? Đây là vấn đề cần phải giải quyết trước. Bởi nếu có thay đổi quy định pháp luật mà người có thẩm quyền không tiến hành siết chặt việc quản lý, xử lý hành vi vi phạm thì cũng không thể có kết quả.

Ông BÙI VIỆT THÀNH, giảng viên Khoa Văn hóa học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM:

Chính quyền phải "mạnh tay"

Tại TP HCM, các cơ quan chức năng đã ban hành quy định và tiến hành xử lý hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng nhưng việc xử phạt chỉ được quan tâm khi tăng cường tuần tra, kiểm soát, còn lại thì bỏ không và cũng chưa có các biện pháp trừng phạt khi tái phạm.

Chúng ta cần nhìn nhận thiếu nhà vệ sinh công cộng không phải là lý do chính mà do thói quen tùy tiện, vô kỷ luật, một đặc tính cố hữu của người Việt Nam. Cho nên để xử lý triệt để tình trạng này, phải tập trung vào phạt đối với người vi phạm.

Bên cạnh đó, chính quyền cần phân loại đối tượng vi phạm để tìm ra được những kênh tuyên truyền hiệu quả. Không nên làm theo phong trào mà phải làm liên tục để có tính răn đe. Tăng cường tuyên truyền phong trào BVMT, trồng cây xanh, không xả rác; chỉ rõ những hành vi lệch chuẩn trong đô thị cũng như mức phạt cho học sinh cấp I, II thông qua các bài học thực tế mà học sinh có thể làm theo nhóm hoặc cá nhân. Từ đó, xây dựng ý thức kiểm soát các hành vi để không bị lệch chuẩn.

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm các hành vi tái phạm và buộc lao động công ích để nhắm vào ý thức của người vi phạm mới mong người dân chấp hành. Chính quyền cần mạnh tay xử phạt như đã từng làm với việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy. 

Nhiều quốc gia phạt nặng

Tại nhiều quốc gia, hành vi tiểu bậy được xem là hành động lệch chuẩn trong văn hóa. Tại Singapore, nếu vi phạm lần đầu, bị phạt 1.000 đô-la Singapore (SGD), tái phạm sẽ bị phạt từ 2.000-5.000 SGD và lao động công ích nhiều giờ. Ở Pháp phạt 70 franc Pháp, Mỹ phạt 50 USD, Anh phạt 50 bảng Anh và ở Úc mức phạt tối đa lên đến 450 đô-la Úc...

Ngoài việc gắn biển cảnh báo, dùng hệ thống camera giám sát, cảnh sát mặc thường phục tuần tra liên tục và trực tiếp xử phạt người tiểu bậy.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo