Loạt bài "Bêu tên người tiểu bậy nơi công cộng?" nhận được nhiều ý kiến bình luận của bạn đọc, chuyên gia. Đồng thời, kết quả thăm dò ý kiến bạn đọc trên Báo Người Lao Động tính đến chiều 24-8 cho thấy 13% đồng ý hình thức xử phạt bằng việc bêu tên, 23% đồng ý đóng tiền phạt, 26% đề nghị bắt buộc lao động công ích và 38% chọn cả 3 hình thức trên.
LS HUỲNH CÔNG THƯ (Đoàn LS tỉnh Long An):
Bắt buộc lao động công ích!
Hiến pháp và Bộ Luật Dân sự bảo vệ quyền cơ bản của con người; trong đó có quyền về họ tên, hình ảnh cũng như bí mật đời tư. Bên cạnh đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng chỉ nêu các hình thức: phạt tiền, khắc phục hậu quả, cải tạo hành chính…, không có hình thức phạt bêu tên người vi phạm. Công khai thông tin người vi phạm ở nơi công cộng cũng giống như hình thức đấu tố, xâm phạm bí mật đời tư của công dân.
Bên cạnh đó, nếu UBND TP HCM đồng ý với kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, ban hành quy định bêu tên người vi phạm là vượt thẩm quyền. UBND TP ban hành quyết định phải dựa trên những văn bản luật cao hơn nhưng các văn bản luật trên đã không quy định thì không có căn cứ để UBND TP ban hành quyết định này. Chỉ khi nào Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định công khai thông tin người vi phạm là một hình thức xử phạt, UBND TP mới có thể bêu tên người vi phạm nơi công cộng.
Để xử lý tình trạng xả rác, tiểu bậy, TP có thể tăng cường nhân lực kiểm tra, phạt nguội và tăng mức xử phạt. Như một số bang ở Mỹ, người xả rác, tiểu bậy có thể bị phạt từ 1.000- 2.000 USD tùy theo từng bang.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia đô thị, ở các TP lớn trên thế giới, không khó bắt gặp hình ảnh những người lao động công ích trên đường. Những người này bị phạt vì vi phạm hành chính như vứt rác, tiểu bậy, nhả bã kẹo cao su ra đường... Về hình thức, đó cũng là công khai hình ảnh người vi phạm. Nếu ở Việt Nam luật chưa quy định thì có thể điều chỉnh, bổ sung hình thức phạt lao động công ích như là một hình thức phạt chính. Lúc này, người vi phạm cũng phải "chường mặt" ra ngoài đường để lao động, sửa sai cho những hành vi sai phạm của mình.
Tiểu bậy là vấn đề khiến người dân TP HCM rất bức xúc và mong muốn có biện pháp để xử lý triệt để. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
ÔNG ĐỖ VĂN NHÂN (Kon Tum):
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo tôi, việc bêu tên người tiểu bậy là khó khả thi bởi những lý do sau:
Thứ nhất, hành vi tiểu bậy xuất phát từ ý thức kém của một bộ phận người dân, không chấp hành các quy định pháp luật về vệ sinh nơi công cộng. Người có hành vi tiểu bậy đa số từ nơi khác đến, làm nghề tự do, bán hàng rong hoặc những người lang thang, không có nơi cư trú ổn định. Do đó, rất khó có thể lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính cũng như bêu tên họ ở nơi công cộng.
Thứ hai, dù quy định xử phạt đã có (Nghị định 155/2016/NĐ-CP), thậm chí xử phạt rất nặng hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định nhưng do vi phạm thường diễn ra kín đáo, nhanh chóng nên rất khó lập biên bản và xử phạt.
Thứ ba, chính quyền địa phương chưa đầu tư đúng mức nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) để phục vụ người dân. Một số nơi tuy có đầu tư NVSCC nhưng thu phí hoặc địa điểm đặt không thuận tiện, không có chỉ dẫn… nên người dân ngại sử dụng.
Thứ tư, như đã nói trên, đa số người có hành vi tiểu bậy là người vãng lai, nếu lập biên bản, xử phạt rồi công khai tên tuổi sẽ không có tác dụng với họ. Bên cạnh đó, thời gian, địa điểm, hình thức… công khai là vấn đề cần phải tính tới. Đối tượng chịu sự tác động của việc công khai là ai? Lợi ích mang lại của việc công khai là gì?... Đây là những vấn đề cần được tính tới.
Thứ năm, công khai người tiểu bậy hiện chưa có cơ sở pháp lý, nếu làm không thận trọng sẽ phát sinh khiếu nại, tố cáo, khởi kiện.
Để hạn chế hành vi tiểu bậy nơi công cộng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân; bố trí đầy đủ NVSCC và phục vụ miễn phí; bố trí đủ lực lượng để tiến hành xử phạt; thường xuyên giám sát qua camera hoặc tiếp nhận phản ánh của người dân để kịp thời xử lý…
Không muốn bêu tên thì đừng tiểu bậy!
Những ý kiến bạn đọc gửi về Báo Người Lao Động đều khẳng định muốn TP phát triển và văn minh, cần phải giải quyết tận gốc, quyết liệt với hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có vi phạm VSNCC. Bên cạnh đó, có những ý kiến đề nghị xây dựng nhiều NVSCC, thu phí hoặc trợ giá, trước khi xử phạt hay bêu xấu bởi đôi khi không tìm ra chỗ, không có sự lựa chọn nào khác nên mới phải tiểu bậy và họ cũng rất xấu hổ. "Ai sai thì phạt theo luật. Cứ phạt thật nặng, như ở Hồng Kông vứt mẩu thuốc lá xuống đất, bị phạt cỡ 18 triệu đồng, than van, biện bạch vô ích. Còn nhân phẩm con người thì không ai được quyền bêu riếu"- bạn đọc Lan nêu ý kiến.
Nhiều bạn đọc góp ý TP nên tổ chức kết hợp NVS tại trạm xăng hoặc vận động các khu vực hàng quán, nhà hàng, khách sạn... cho phép người ngoài vào đi vệ sinh có thu phí.
Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến cho rằng vấn đề không phải có NVSCC hay không mà nằm ở ý thức, thói quen lười nhác, bạ đâu đi đó. Vì vậy, cứ công khai tên tuổi người vi phạm thì mới mong kéo giảm tệ nạn này. Bạn đọc L.H kể: "Kế bên nhà tôi có một nhà hàng tiệc cưới sang trọng. Sau mỗi đám tiệc, thực khách cũng sang trọng túa ra đường đợi xe và không ít trong số đó "đi" luôn vào sân trước nhà của tôi, không phải vỉa hè nhé. Đừng đổ thừa thiếu NVSCC, ý thức như vậy, cần bao nhiêu NVSCC cho đủ?". Còn bạn đọc Sao Mai cho rằng: "Muốn không bị bêu riếu hay ảnh hưởng đến nhân thân thì đừng tiểu bậy. Rất đơn giản. Đừng nói là NVSCC không có. Sao phụ nữ họ làm được, đâu có bạ đâu đứng đó như các ông? Tội nghiệp mấy trạm xe buýt, luôn bốc mùi khai nồng. Tè bậy, đó là hành động xấu xí nhất cần phải triệt bỏ".
V.THƯ
Bình luận (0)