Nào là bị gãy đốt sống, nhưng bị khoan nhầm cẳng chân; tử vong khi sinh mổ bằng phương pháp gây tê tủy sống; bé trai sơ sinh tử vong với vết thương dài trên cổ.
Đau lòng nhất là câu chuyện "Bé trai sơ sinh tử vong với vết thương dài trên cổ", sáng 30-6, sản phụ Nguyễn Thị T. (SN 1982; ngụ xóm Làng Hội, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) được chồng đưa tới Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh thăm khám và chờ sinh. Tuy nhiên, đứa con khi lọt lòng mẹ thì đã tử vong với vết khâu dài trên cổ.
Lý giải về việc này, bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng Khoa sản Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, người trực tiếp đỡ đẻ cho sản phụ, cho biết: "Khoảng hơn 19 giờ ngày 30-6, tôi nhận được thông báo có một trường hợp sản nhi đầu đã ra ngoài nhưng thân và mông mắc trong mẹ nên đã nhanh chóng đi tới. Tại đây, sau khi kiểm tra, tôi thấy đầu thai nhi trắng, có 1 số chỗ trượt da. Lúc này, tôi dùng tay thử kéo thì không ngờ cổ của em bé bị đứt. Sau đó, chúng tôi đã phải khâu 8 mũi để trả lại hình hài nguyên vẹn cho cháu bé. Tuy nhiên, trước khi tôi dùng tay kéo em bé ra ngoài khiến bị đứt cổ thì cháu bé đã tử vong trước đó".
Khi được hỏi về việc tại sao không tiến hành siêu âm cho sản phụ để được biết tình trạng sản phụ cũng như thai nhi như thế nào? Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ thừa nhận có thiếu sót việc này.
Theo đó, nhiều bạn đọc đã lên tiếng về câu chuyện đau lòng này, bạn đọc Nguyễn viết: "Tại sao lại không siêu âm ngay từ đầu. Không có siêu âm bây giờ rất khó xác định đúng sai".
Bạn đọc bút danh "tu-ha" thì đặt câu hỏi: Bệnh viện đã nhận định thai đã chết lưu trước đó 7 ngày, nghe rất vô lý. Trong 7 ngày đó chẳng lẽ thai phụ không cảm nhận được chuyển động của thai nhi hay sao?
Bạn đọc An An Lành bộc bạch: Mang nặng đẻ đau nên sẽ rất khó mà chấp nhận lời xin lỗi của bệnh viện. Nhưng cũng không có cách nào để cho em bé sống lại được nữa, do vậy rất cần một sự thật để không có những trường hợp tương tự xảy ra trong thời gian tới.
Một trường hợp cũng đau xót không kém là câu chuyện "Sản phụ 28 tuổi bất ngờ tử vong khi sinh mổ bằng phương pháp gây tê tủy sống". Chỉ 1 giờ sau sinh mổ bằng phương pháp gây tê tủy sống, sản phụ Trần Thị Bích L. (28 tuổi, trú tại tỉnh Hà Giang) rơi vào tình trạng sốc không hồi phục và tử vong nghi do ngộ độc thuốc tê. Theo đó ngày 28-6, sản phụ Trần Thị Bích L. được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Lục Yên để sinh đẻ. Bệnh nhân được chỉ định mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống. Sau mổ 1 giờ, sản phụ xuất hiện khó thở, kêu nghẹn cổ và nôn ra bọt hồng, chân tay tê, huyết áp tụt, mạch nhanh…Sản phụ được chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh rạng sáng ngày 29-6. Dù được các bác sĩ cấp cứu tích cực theo phác đồ nhưng không qua khỏi (được chẩn đoán đã tử vong trên đường đi cấp cứu).
Bạn đọc tên Vinh trăn trở: "Các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn của các trung tâm y tế tuyến cơ sở, để những câu chuyện đau lòng này không xảy ra".
Nhẹ nhàng hơn 2 trường hợp vừa kể trên, mới đây một sự cố y khoa hy hữu đã xảy ra tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM. Nghe tưởng như chuyện đùa, nhưng mà có thật tại bệnh viện Chợ Rẫy người bệnh bị gãy đốt sống, nhưng được chữa trị ở cẳng chân.
Câu chuyện như sau: ngày13-6, ông Nguyễn Đức Th (30 tuổi, ngụ Cà Mau), trong lúc làm việc đã bị ngã từ trên cao, được sơ cứu tại một bệnh viện địa phương với chẩn đoán chấn thương cột sống, sau đó chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây sau khi được thực hiện các xét nghiệm, đã được đưa đến phòng bó bột, với chỉ định đóng đinh xuyên chân!? Bệnh viện Chợ Rẫy đã xác nhận sự nhầm lẫn này, sẽ trả chi phí điều trị, đồng thời khẳng định việc nhầm lẫn xuyên đinh chân không ảnh hưởng đến chức năng vận động và vết thương sẽ tự lành.
Bạn đọc Ngô Minh Phú đã thốt lên: "Đáng sợ thật, vì sao một bệnh viện lớn lại có thể để một việc như thế này xảy ra. Chỉ có thể nói đó là do quá tắc trách và chủ quan khi làm việc". Bạn đọc vuongtucuong viết: "Mong các các y bác sĩ trước khi làm cần kiểm tra, đối chiếu tên bệnh nhân, tuổi, vết thương thì mới không nhầm lẫn, nếu không sẽ còn nhầm dài dài..."
Bạn đọc Phạm Trung Chánh tâm tư: "Bệnh viện lẽ ra phải là nơi an toàn nhất, cẩn thận nhất, chính xác nhất cho người bệnh, song quá bất an về các sự cố nêu trên. Đành rằng đôi khi các nhân viên y tế rất áp lực trong công việc, nhưng khi làm việc chỉ cần nghĩ những người bệnh như là người nhà của mình thì mọi việc có lẽ sẽ khác đi rất nhiều. Nghề nào cũng vậy, cần phải có tấm lòng. Mong rằng sẽ không còn phải nghe những trường hợp đau lòng cho người bệnh mà nguyên nhân là do sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của nhân viên y tế".
Bình luận (0)