Bạn đọc Mai Mộng Tưởng: BẮT ĐẦU TỪ MỖI GIA ĐÌNH
Phải thừa nhận rằng lối sống chỉ biết mình, không biết người đã thẩm thấu quá lâu và quá sâu vào trong suy nghĩ và cách hành xử không thể thiếu văn hóa hơn của rất nhiều người Việt Nam ta, nhất là trong việc xả rác tùy tiện ở mọi nơi, mọi lúc. Điều này thật đáng buồn và đáng xấu hổ, đặc biệt là trước sự hiện diện của khách nước ngoài. Do đó, việc dẹp bỏ nạn này không thể ngày một ngày hai. Phải xác định đây là trách nhiệm của toàn xã hội, chứ không phải của mỗi một ai, mỗi một ngành nào. Tôi thấy có 2 vấn đề cần trao đổi có tính cốt lõi để giải quyết từng bước vấn nạn này.
Thứ nhất, phải làm thật tốt, thật đầy đủ về việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đả phá quyết liệt nạn xả rác bừa bãi. Việc tuyên truyền phải làm cho rõ ra việc lợi, việc hại của vấn đề rác thải, tránh cho được việc tuyên truyền chung chung, bó hẹp đối tượng, nếu không, sớm hay muộn thì việc xả rác bừa bãi lại trở thành câu chuyện "vũ như cẩn", dứt khoát tránh cho được chuyện "đánh trống bỏ dùi" hoặc hô hào suông. Tất nhiên các chế tài xử phạt đi kèm, cơ chế khen thưởng không thể thiếu nhưng đó chỉ là giải pháp có tính răn đe hoặc động viên, còn mục đích tuyên truyền phải đạt được là làm cho mọi cấp, mọi ngành, mọi nhà, mọi người đều thấy trách nhiệm của mình để cùng chung tay chăm lo xây dựng môi trường sống trong lành, sáng-xanh-sạch - đẹp.
Không ít khách nước ngoài đến tham quan du lịch hoặc hợp tác đầu tư ở ta, nếu có dịp là họ tự giác chung tay thu gom rác ở các bãi biển, ở các lễ hội hoặc sau các sự kiện thiên tai… Đây là hành động đẹp cần nhân rộng tuyên truyền trong các gia đình và sinh hoạt cộng đồng của ta. Họ là khách mà làm được những điều đáng học tập như vậy, sao mình là chủ thể lại không?
Thứ hai, rác từ trong nhà ra chứ chẳng ở đâu xa lạ, câu thành ngữ "bói ra ma, quét nhà ra rác" cấm có sai! Vậy thì phải xử lý chuyện gom, đổ rác bắt đầu từ các thành viên trong gia đình. Rõ ràng trước hết là tấm gương mẫu mực của ông bà, cha mẹ. Do vậy ông bà, cha mẹ phải thường xuyên tự giác làm trước để con cháu nhìn vào đó mà noi theo, nhắc nhở con cháu làm theo trong việc xử lý đúng với rác thải là chuyện hằng ngày của ông bà, cha mẹ. Lâu ngày chuyện xử lý rác đúng nơi, đúng chỗ trở thành thói quen tốt đẹp trong gia đình.
Gia đình nào cũng có cách xử lý rác thải đúng thì cả làng xóm, khu dân cư sẽ đạt được các tiêu chí vệ sinh môi trường, văn hóa ứng xử, văn minh đô thị…
Gia đình nào cũng làm tốt, làm đúng thì chắc chắn nó sẽ lan tỏa đến các tổ chức cộng đồng, các cơ sở sản xuất, các cơ quan, xí nghiệp, trường học…thì việc lén đổ các loại chất thải không đúng nơi quy định mà các cơ quan truyền thông đã phanh phui và cơ quan chức năng đã phát hiện xử lý sẽ dần bị dẹp bỏ, bởi cả xã hội lên án và quyết tâm tẩy chay hành vi đổ chất thải bừa bãi.
Lục bình xen rác thải tại bờ sông công viên Bạch Đằng, quận 1 (TP HCM) (ảnh chụp chiều 18-3). THIÊN THẢO
Bạn đọc Nguyễn Tiến Đạt: CƠ QUAN CHỨC NĂNG PHẢI KIÊN QUYẾT XỬ LÝ
Theo dõi các ý kiến tham gia diễn đàn, tôi thấy hầu hết bạn đọc đều tập trung nhiều ở yếu tố cần xử phạt nghiêm minh hành vi xả rác bừa bãi, trong đó đề xuất "Lắp đặt camera an ninh và Chế tài xử phạt phải đủ mạnh" đăng trên số ra ngày 21-3, nếu thực hiện được sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Vấn đề là cơ quan chức năng có kiên quyết hay không mà thôi, bởi liên quan đến tiêu chí đánh giá hàng năm của một số lĩnh vực như "Nông thôn mới; Đô thị văn minh và gia đình văn hóa; khu dân cư văn hóa".
Để hạn chế và đẩy lùi vấn nạn xả rác bừa bãi mọi nơi, mọi lúc diễn ra hàng ngày, chính quyền từ cấp tỉnh, thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn cần chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên; đồng thời, khi phát hiện hành vi xả rác bừa bãi phải lập biên bản xử phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Muốn vậy, trước hết phải dựng các pa nô tuyên truyền tại nơi công cộng, trích dẫn tóm tắt nội dung, mức phạt tiền theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của chính phủ để mọi công dân hiểu, từ đó điều chỉnh hành vi, chuyển đổi nhận thức, bởi nếu vi phạm sẽ phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ nộp phạt.
Bên cạnh đó, dịp cuối năm, khi thẩm định để đánh giá tiêu chí về môi trường, kiên quyết không công nhận danh hiệu "Nông thôn mới; Đô thị văn minh và gia đình văn hóa; khu dân cư văn hóa" nếu tình trạng xả rác triền miên, không vì thành tích của địa phương, của ban, ngành, đoàn thể mà bỏ qua để đạt bằng được danh hiệu đã đăng ký đầu năm. Chỉ cần một năm mất các danh hiệu, chắc chắn năm tiếp theo, các tổ chức, đoàn thể, trọng tâm là cơ sở khu dân cư sẽ phải hành động cụ thể, quyết liệt để lập lại trật tự vệ sinh môi trường, thiết lập thói quen tập kết rác thải đúng nơi quy định.
Lề đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Hưng, quận 7, TP HCM) trở thành nơi đổ rác (ảnh chụp trưa 19-3). THIÊN THẢO
Bạn đọc Tường Trần: XỬ PHẠT THẬT NGHIÊM KHẮC
Xả rác bừa bãi đâu còn là chuyện của một cá nhân vì đã ảnh hưởng đến cộng đồng, môi trường sống, làm xấu hình ảnh đất nước. Đây là điều đáng buồn cho thấy nhiều người chưa ý thức bảo vệ không gian chung, khi thành phố đang hướng đến nếp sống văn minh.
Cụ thể là tại TP HCM, nhiều con đường trước đây với những trận mưa lớn vẫn không gây ngập, nay chỉ vài cơn mưa nhỏ cũng đã lênh láng nước. Là người làm công trình cầu đường, tôi đã chứng kiến không biết bao lần đơn vị quản lý thoát nước vớt khối lượng rác thải khổng lồ trong cống. Nào là các loại chăn, màn, nệm, chai nhựa, hộp xốp, bao ni lông, vỏ lon bia, tờ rơi quảng cáo, áo mưa tiện lợi cho đến xà bần xây dựng, ….
Câu chuyện làm tôi nhớ mãi khi đi du lịch đến Thái Lan, lúc đang nghe thuyết minh ở Hoàng cung, anh bạn trong đoàn sơ ý vứt tàn thuốc dưới lối đi liền bị người bản địa nhắc nhở và được hướng dẫn bỏ đúng nơi quy định tại thùng rác cách đó 3 m. Trên đường phố và nơi công cộng ở Thái Lan luôn sạch sẽ, ít thấy rác. Tôi thắc mắc, nữ hướng dẫn viên du lịch giải thích: "Ở đây, xả rác bị phạt nặng lắm, bị xem là thiếu ý thức. Ai xả rác sẽ bị người khác xem thường và lấy hành vi lệch chuẩn đó làm thước đo văn hóa, văn minh".
Đang loay hoay chờ đón xe buýt, con trai chị bạn đi cùng khoảng 10 tuổi ăn bánh xong rồi vứt bao ni lông xuống đường, một người dân bản địa đứng cạnh liền nhắc nhở rồi bước tới nhặt và bỏ vào thùng rác. Chỉ vài tình huống người dân bản địa nhắc nhở, tôi cảm nhận trong đoàn hình như ai cũng chú ý trước mỗi hành vi của mình luôn có người giám sát. Tôi cảm nhận người dân Thái Lan rất quan tâm không gian công cộng, nghiêm khắc trước những hành vi bị cho là lệch chuẩn như xả rác bừa bãi.
Singapore càng xử phạt nghiêm khắc hơn và làm cho du khách xấu hổ với hành vi xả rác bừa bãi trên đường phố, nơi công cộng. Bạn tôi làm việc ở Singapore, kể: "Người xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt tối đa là 1.000 đôla Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000-5.000 đôla. Hơn nữa, phải lao động công ích trong vài giờ, làm sạch nơi công cộng như nhặt rác tại công viên, quét dọn đường phố…Những hình phạt này có thể được đưa lên mục sự kiện trên phương tiện truyền thông địa phương.
Xả rác bừa bãi là điều bất thường ở các nước phát triển nhưng lại là điều bình thường ở xứ ta. Ở nước ngoài, người xả rác sẽ bị phạt nặng, xử lý nghiêm, còn bị làm cho xấu hổ và có cảm giác luôn lưu ý để không vi phạm. Ở xứ ta, công tác tuyên truyền thường xuyên, cũng có đầy đủ các quy định hẳn hoi nhưng hiếm thấy ai bị phạt khi vi phạm, lâu dần thành thói quen xấu. Đơn giản bởi pháp luật dù có sẵn nhưng không áp dụng hoặc áp dụng không nghiêm nên mới có chuyện xem thường. Dù đã có đầy đủ các quy định mà chỉ tuyên truyền suông. không được thực thi cũng như không. Một số người còn có suy nghĩ tiêu cực, miễn sao nhà mình sạch, xả rác ngoài đường sẽ có người dọn.
Dễ thấy, nơi nào xử lý nghiêm thì ít vi phạm, tái phạm. Đi máy bay hiếm thấy ai hút thuốc lá vì sợ bị phạt, đi tàu xe thấy nhiều người vô tư hút thuốc lá vì không bị phạt. Có câu nói "chuẩn thì không cần chỉnh" nhưng khi chưa "chuẩn" thì "chỉnh", muốn "chuẩn" phải "chỉnh" bằng cách xử lý nghiêm. Nên chăng, cũng làm như vậy với nạn xả rác bừa bãi.
Việc áp dụng các biện pháp xử lý cứng rắn đối với hành vi xả rác bừa bãi như Thái Lan, Singapore có thể là gợi ý cho Việt Nam mà trước tiên áp dụng ở các đô thị lớn như TP HCM. Xử lý nghiêm một người vi phạm, giúp cảnh tỉnh nhiều người khác. Người xả rác bừa bãi vừa bị phạt nặng về hành chính, khắc phục vi phạm, giáo dục bằng hình thức đi nhặt rác, làm sạch môi trường ở nơi khác, nhận sự lên án của truyền thông đại chúng và những người xung quanh cho đó là hành vi thiếu văn minh. Trước tiên, cần ban hành pháp lý làm cơ sở triển khai, hiện nay có áp dụng cơ chế đặc thù, hẳn không khó với TP HCM.
Ngoài ra, có thể tạo điều kiện nhắc nhở chấn chỉnh hành vi bị cho là lệch chuẩn bằng cách cho phép mọi người giám sát và ai cũng có quyền phản ứng hành vi xả rác bừa bãi; một người lên tiếng, sẽ có nhiều người hưởng ứng. Lúc này, ai cũng có cảm giác mọi hành vi của mình đều có cả cộng đồng theo dõi để tránh vi phạm, lâu dần sẽ loại bỏ thói quen xấu.
3 ý kiến trên đã kết thúc diễn đàn "Nạn xả rác bừa bãi: Làm sao dẹp bỏ?" mà Báo Người Lao Động thực hiện thời gian qua. Tất cả ý kiến bạn đọc tham gia diễn đàn đều cho rằng để dẹp được nạn xả rác bừa bãi, ngoài biện pháp giáo dục tuyên truyền trên các cơ quan truyền thông, những nơi công cộng, cơ quan chức năng cần phải có biện pháp mạnh hơn như lắp camera an ninh; tăng nặng mức xử phạt kèm theo yêu cầu làm sạch nơi công cộng; đăng lên các phương tiện thông tin công cộng bêu xấu người có hành vi xả rác, xả thải lén... Có như vậy mới nâng cao được ý thức và trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường chung.
Không thể có chuyện có luật xử phạt nhưng không áp dụng hoặc áp dụng nửa vời với lý do "không thể quản lý, không thể xử phạt" như lâu nay chính quyền địa phương nhiều nơi nại ra. Cần dùng "bàn tay sắt" cùng sự đồng lòng, chung tay của người dân và nhà nước để xử lý triệt để tình trạng đáng xấu hổ này.
Bình luận (0)