Bạn đọc Mai Lê:
Đánh vào túi tiền và lòng tự trọng
"Bao giờ người dân hết xả rác?" - câu hỏi ấy là nỗi trăn trở của nhiều người dân cũng như chính quyền khi tình trạng rác thải ngập phố xá, đô thị, bãi biển. Nơi đâu có bước chân con người thì dấu tích của họ để lại là những đống rác to đùng như trêu ngươi, thách thức.
Nhiệt tâm của những bạn trẻ như Bình Yên, Nguyễn Việt Hùng và vô số người tình nguyện nhặt rác sẽ mãi mãi vẫn chỉ là nỗ lực trong vô vọng khi ý thức của cộng đồng không thay đổi. Thói quen tiện tay vứt rác, tư duy "miễn rác không làm bẩn nhà mình", quan niệm "dọn rác là công việc của công nhân vệ sinh"… đang biến mọi nẻo đường tươi đẹp của dải đất hình chữ S này trở nên xấu xí hơn rất nhiều.
Chúng ta hẳn còn nhớ hình ảnh những đống rác được móc lên từ lòng cống và tâm sự nhói lòng của anh Ngô Chí Hùng, công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP HCM. Anh Hùng chia sẻ về những hiểm nguy và tai nạn rình rập quanh mình và đồng nghiệp: bị phỏng toàn thân do chất thải trong hợp chất trộn bê-tông từ các công trình xây dựng, kim tiêm làm chảy máu, thậm chí phân thải đưa thẳng xuống cống, xối thẳng vào đầu khi công nhân dọn vệ sinh… Sự vất vả, cực khổ của đội ngũ công nhân bắt nguồn từ chính hành động thiếu ý thức của một số người.
Rác đến từ đâu? Từ trong ý thức của mỗi người! Vậy thì muốn tác động để thay đổi, dịch chuyển ý thức của con người, phải cần đến 2 chiếc chìa khóa vạn năng là giáo dục và pháp luật.
Vai trò của giáo dục có tính quyết định đối với việc hình thành nhân cách, xây dựng ý thức, tạo lập thói quen của mỗi cá nhân. Khi nào vai trò giáo dục trong nhà trường, sự uốn nắn từ gia đình và sức mạnh của xã hội tạo nên sự gắn kết, đồng thuận và hiệu quả thì mới hy vọng chấm dứt phần nào hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng.
Và khi giáo dục bất lực trước một số cá nhân thiếu ý thức, đòi hỏi pháp luật phải nghiêm khắc xử lý vi phạm bằng các chế tài đủ sức răn đe. Các hình thức xử phạt đã có, mức phạt cũng đã nâng lên nhưng sự thiếu quyết đoán, thiếu quyết liệt xử phạt của cơ quan chức năng đang khiến nạn xả rác bị "nhờn luật". Hãy đánh mạnh vào túi tiền và đánh thẳng vào lòng tự trọng của mỗi người để hạn chế "nạn xâm lăng" của rác thải.
Chúng ta luôn nhìn về đất nước Singapore và ngưỡng mộ các con đường xanh sạch. Chúng ta luôn ngợi ca người Nhật Bản kỷ luật, nền nếp và xây dựng được ý thức cộng đồng cao. Nhưng phải nhớ rằng sở dĩ Nhật Bản, Singapore cũng như nhiều quốc gia văn minh khác có thể tạo ra một nền móng văn hóa cộng đồng tốt đẹp như thế cũng phải trải qua một quá trình đổi thay, biến chuyển mạnh mẽ theo hướng tích cực của nhiều thế hệ. Hơn tất cả, họ đã thiết lập một "kỷ luật sắt" nhằm cải tổ ý thức, thói quen của mỗi người dân hướng tới bảo vệ môi trường sống.
Lề cầu Đinh Bộ Lĩnh (phường 24, quận Bình Thạnh, TP HCM) trở thành nơi đổ rác Ảnh: Thạch Thảo
Bạn đọc Đỗ Ngô Trần:
Quản lý tốt, xả rác sẽ giảm
Chung cư gần nhà tôi, mấy năm trước có 2 khoảnh đất trống, lâu ngày thành nơi "tập kết" rác của một số người thiếu ý thức. Ban quản lý giăng tấm bảng "Đừng xả rác vì môi trường xanh - sạch - đẹp" nhưng chỉ dừng lại ở mức kêu gọi nên đâu lại vào đấy.
Từ khi thay đổi ban quản lý mới, hình thức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh cũng thay đổi. Hai thùng đựng rác chuẩn và lớn có ngăn phân loại được đặt ở góc sân, ai cũng có thể bỏ rác một cách thuận lợi. Ban đầu các anh bảo vệ rồi đến các em nhỏ, cứ thấy ai xả rác là chạy ra nhặt bỏ vào thùng rác. Hai đống rác được dọn dẹp, thay vào đó là vườn hoa, mảng xanh. Cũng từ đó, hiếm khi thấy rác ở sân, hành lang, cầu thang. Nhằm tạo thói quen tốt, ban quản lý phát động phong trào "Nói không với rác" và được cư dân hưởng ứng, cùng dọn dẹp vệ sinh khắp khuôn viên vào ngày chủ nhật đầu tiên trong tháng.
Cuối tuần, tôi thường đến khu đô thị Phú Mỹ Hưng, thấy không gian công cộng luôn sạch sẽ, thùng đựng rác có phân loại đặt cách nhau vài chục mét, hiếm thấy ai xả rác bừa bãi. Ở đây mỗi khi tổ chức xong hội thảo, sự kiện, đường hoa, hội chợ, đêm ca nhạc cũng ít khi thấy rác. Nhìn nhận khách quan là do công tác quản lý rất tốt. Ai xả rác bừa bãi lập tức có bảo vệ tới nhắc nhở và hướng dẫn bỏ rác đúng nơi quy định. Ngoài ra, môi trường luôn sạch sẽ, ai đến cũng chú ý không nỡ xả rác. Bởi tâm lý con người "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", ở đâu bẩn thì có bẩn thêm cũng chẳng sao, ở đâu sạch thì phải giữ cho sạch. Mới thấy, xây dựng văn minh đô thị đâu chỉ làm cơ sở hạ tầng mà xây dựng cả con người.
TP HCM ở nhiều nơi còn bẩn, vỉa hè nhớp nhúa, thiếu thùng đụng rác hoặc thùng đựng rác quá nhỏ không chứa đủ lượng rác, nhiều người xả rác cũng không thấy ai nhắc nhở.
Thiết nghĩ, ngăn ngừa rồi tiến tới chấm dứt nạn xả rác bừa bãi, tuyên truyền suông là chưa đủ, mà đơn vị quản lý cần tạo điều kiện cho người dân bỏ rác đúng nơi quy định bằng cách bổ sung thùng đựng rác đủ chuẩn, thiết kế sẵn môi trường sao cho sạch sẽ, từ đó tạo ra "cái bầu" ngăn nắp, trật tự để ai cũng lưu ý tuân thủ không vi phạm. Quan trọng không kém là duy trì ngăn nắp, trật tự bằng những biện pháp thích hợp, nhắc nhở, xử phạt, yêu cầu ai cũng thực hiện đúng quy định. Đây là những công việc thuộc về khâu quản lý, thực thi nhiệm vụ để mang lại môi trường sống tốt. Ở địa phương, trên đường phố, nơi công cộng có thể tận dụng công an khu vực, lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ. Ở chung cư có thể sử dụng ban quản lý, bảo vệ.
Đâu cũng thấy rác
Ghi nhận trên một số tuyến đường của TP HCM như Điện Biên Phủ, Bạch Đằng, Quốc lộ 13, Trường Sa… có thể thấy bất cứ đâu cũng có hình ảnh rác thải vương vãi. Thậm chí trên các tuyến đường lớn, nhiều cây xanh cũng trở thành những điểm tập kết rác từ rác ngoại cỡ đến rác thải sinh hoạt. Ngay dưới cầu Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), rác bị vứt thẳng xuống làm con sông ngập rác, nước đen bốc mùi hôi thối. Còn tại các cống thoát nước, nơi thì bị bịt kín, nơi mất nắp sắt và bị dồn đầy rác.
Rác đầy miệng cống thoát nước
Bà Lữ Thị Liên Em (78 tuổi, nhà trên đường Điện Biên Phủ) chia sẻ: "Tôi thường xuyên thấy người dân mang rác đến đây, nhiều người ngồi trên xe rồi ném đại rác xuống sông. Chính quyền nhiều lần nhắc nhở, dọn dẹp nhưng đâu rồi cũng vào đấy vì họ thường lén vứt rác lúc nửa đêm. Có lần tôi nhìn thấy và nhắc nhở thì họ lớn tiếng nói: "Đường nhà bà hay sao mà cản?". Tôi cũng đành bó tay".
Rác ngập dưới cầu Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TP HCM)
Anh Nguyễn Văn Nhân (28 tuổi; quận Gò Vấp, TP HCM) cho rằng chiến dịch thu gom, phân loại rác thải tại nguồn tuyên truyền cũng nhiều nhưng làm vẫn chưa hiệu quả. "Một phần do ý thức của người dân nhưng quan trọng vẫn là cách thực hiện của chính quyền địa phương. Cần phải quyết liệt hơn, chế tài mạnh chứ dừng lại ở tuyên truyền, vận động thì chưa đủ. Một người làm, 9 người không thì cũng vậy" - anh Nhân nêu ý kiến.
Tin-ảnh: H.Triệu
Bình luận (0)