Một cán bộ của Sở Ngoại vụ TP Hà Nội vừa đánh một tiến sĩ 76 tuổi chỉ vì va chạm giao thông; một thanh tra giao thông hành hung nữ nhân viên hàng không tại sân bay Nội Bài; một cán bộ ngân hàng đánh nữ nhân viên bán xăng ở Nghệ An vì nghi bơm thiếu; một cán bộ kiểm lâm không mua vé qua trạm mà còn đánh nhân viên trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 6 (tỉnh Hòa Bình)… Hàng loạt vụ cán bộ đánh người xảy ra trong thời gian ngắn khiến dư luận bức xúc đặt câu hỏi: “Là cán bộ hay côn đồ?”
Cán bộ đại diện của một cơ quan công quyền, nơi có trách nhiệm hướng dẫn người dân thực hiện đúng chức năng, nghĩa vụ của một công dân, tôn trọng hiến pháp và pháp luật thì ít nhất họ cũng đã có “bằng này, bằng nọ”, cũng gọi là trí thức. Lẽ nào mang danh trí thức mà lại hành xử hồ đồ, thiếu văn hóa, thậm chí rất côn đồ, xem thường pháp luật, đạo đức đến vậy? Thật sự rất đáng báo động về công tác tuyển dụng, giáo dục và quản lý cán bộ hiện nay.
Xây dựng đội ngũ công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng sự nghiệp đổi mới, tận tụy với nhân dân có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đạo đức công chức đã được luật hóa trong Hiến pháp; Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Bên cạnh đó là những quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước; quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương… hay các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc quản lý đội ngũ công chức thuộc quyền…
Vấn đề còn lại là chúng ta áp dụng những quy định của pháp luật vào việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm ra sao để đủ sức răn đe, hạn chế được cái xấu lộng hành. Bên cạnh đó, lãnh đạo các đơn vị quản lý cần siết chặt khâu tuyển dụng; thường xuyên giám sát, giáo dục và quản lý đội ngũ cán bộ. Chỉ có như vậy chúng ta mới giữ được lòng tin của người dân với đội ngũ “công bộc” và cơ quan công quyền.
Bình luận (0)