“Sai sót của MC trong chương trình “S-Việt Nam” vừa qua là kết quả tất yếu của một bộ phận người trẻ không hiểu, không biết về sử Việt. Lớp trẻ sẽ còn tiếp tục ú ớ sử ta nếu không có những quyết sách và thay đổi phù hợp đối với môn lịch sử” - một chuyên gia giáo dục khuyến cáo.
Số phận hẩm hiu
Vị chuyên gia này cho rằng sở dĩ dư luận bức xúc với sai sót vừa qua của VTV vì đây là chương trình phát sóng trên Đài Truyền hình quốc gia. Tuy nhiên, trong thực tế, ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác của xã hội, vẫn còn rất nhiều nhầm lẫn, sai sót về lịch sử. Sở dĩ có hậu quả này là do trong suốt một quá trình, môn lịch sử đã không được đặt đúng vị thế của nó.
“Học sinh học sử chỉ để đối phó thi cử, không phải thi tốt nghiệp môn lịch sử, các em xé sách, vui mừng. Khi người ta phản đối chương trình lịch sử ở các bậc học phổ thông quá nặng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đòi “khai tử” môn học này, cho tích hợp vào các môn khác, chỉ khi Quốc hội vào cuộc, mới giữ lại là môn học độc lập, bắt buộc. Chỉ bấy nhiêu thôi đủ thấy số phận hẩm hiu của môn học đáng lẽ phải được xem là nền tảng, truyền thống này” - vị này nói.
Còn theo thầy Phan Đông Xuân, dạy môn lịch sử Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2, TP HCM), có nhiều nguyên nhân dẫn đến những sự cố buồn liên quan đến lịch sử. Trước khi đổ lỗi cho giáo dục, cho chương trình, cần nhìn nhận nguyên nhân sâu xa là từ cách nhìn hạn chế của xã hội. Học sử để làm gì? Chọn nghề, chọn ngành gì từ lịch sử? Chính cái nhìn hạn chế này khiến môn lịch sử ở trong tình trạng có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Thầy Xuân cho biết thực tế có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, sinh động, gắn liền với dân tộc nhưng sách giáo khoa lại không hề phản ánh. “Thế hệ trẻ hôm nay đã trưởng thành về mọi mặt và rất bản lĩnh. Họ cần sự thật lịch sử, bao gồm cả chiến công lẫn thất bại, chứ không phải là sự ca ngợi một chiều. Hiểu quy luật lịch sử để từ đó tự rút ra bài học kinh nghiệm quý báu, vận dụng vào hiện tại” - thầy Xuân nhấn mạnh.
Phải có cái nhìn trân trọng
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM), cho rằng lịch sử là môn học thuộc giáo dục truyền thống, liên quan đến vấn đề đào tạo nhân cách, đạo đức của công dân. Rất nhiều nước trên thế giới có cách nhìn trân trọng với lịch sử, chẳng hạn muốn nhập tịch, tìm việc làm ở quốc gia nào thì phải hiểu rõ về lịch sử nơi đó. “Tôi nghĩ không phải học sinh Việt Nam quay lưng với lịch sử mà các em chỉ chán với cách dạy, học và thi sử hiện nay. Vì vậy, theo tôi, ngoài giảm tải chương trình, giáo viên sáng tạo, đổi mới cách dạy thì ở tầm vĩ mô cần những quy định cụ thể, thiết thực để xã hội nhìn nhận đúng tầm quan trọng của lịch sử” - thầy Du nhận định.
Theo PGS-TS Nguyễn Cảnh Huệ (nguyên quyền Trưởng Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP HCM), kiến thức và kinh nghiệm của lịch sử là cơ sở để hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử; tư liệu lịch sử là bằng chứng quan trọng để khẳng định, bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc. Trong nghiên cứu những vấn đề lớn, kiến thức lịch sử, phương pháp lịch sử, nhà sử học đóng vai trò nòng cốt.
“Chẳng hạn, để đề ra chủ trương, chính sách phát triển đất nước trong những năm tới, chúng ta không thể không nghiên cứu công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, tình hình khu vực và thế giới trong mấy chục năm gần đây để tìm ra quy luật vận động của đất nước và thế giới, từ đó đề ra chủ trương, chính sách cho phù hợp quy luật. Để đấu tranh và bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, nhất là Hoàng Sa và Trường Sa, ngoài dựa trên cơ sở pháp lý, chúng ta còn phải dựa vào bằng chứng lịch sử. Chính vì những lý do này, nhất quyết phải nhìn nhận lại đúng vai trò của môn lịch sử. Khi đã đặt đúng vị trí của sử thì tự khắc mọi ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội sẽ phải thay đổi theo” - PGS-TS Nguyễn Cảnh Huệ nhấn mạnh.
Muốn hội nhập, phải biết sử
Theo PGS-TS Nguyễn Cảnh Huệ, tri thức lịch sử có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển đất nước trong thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Muốn hội nhập phải nói rõ lịch sử dân tộc mình cho thế giới hiểu đúng. Đồng thời, để hội nhập mà không bị hòa tan, cần có bản lĩnh văn hóa vững vàng nhằm có thể vượt qua các cám dỗ, chắt lọc những điều tốt đẹp. Điều này được bồi đắp, vun trồng từ lịch sử.
Bình luận (0)