Đánh giá sau hơn 3 tháng hoạt động, tuyến buýt đường sông (BĐS) số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) hiện chở cao nhất khoảng 1.800 hành khách mỗi ngày cuối tuần. Những ngày làm việc trong tuần, lượng khách đạt khoảng 1.000 người/ngày, quá thấp cho mục tiêu "chia lửa" với giao thông đường bộ (GTĐB).
Khó kỳ vọng giảm kẹt xe
Một trong những mục tiêu chính của tuyến BĐS là phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là vào giờ cao điểm mỗi ngày nhằm giảm kẹt xe, ô nhiễm khí thải khu vực nội đô TP HCM. BĐS cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá trong phát triển du lịch, đa dạng các phương thức vận chuyển hành khách bằng đường thủy trên địa bàn TP. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá hoạt động của tuyến chỉ đang đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch chứ chưa thể hiện đúng chức năng chở khách công cộng.
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, nhìn nhận có thêm một phương thức vận chuyển như BĐS là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, phải lưu ý hình thành tuyến ở những khu vực không có đường bộ nhằm thực hiện chức năng thay thế hệ thống cầu đường, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Với tuyến số 1 đang khai thác, ông Sanh cho rằng cần nhìn nhận lại. "Không thể "cưỡng ép" xem tuyến vận tải này là đang giúp giảm kẹt xe mà phải định hình lại đúng bản chất để có phương án khai thác hiệu quả. Với nhu cầu thực tế hiện nay cũng không thể ép chủ đầu tư cung cấp thêm phương tiện liên tục vì như vậy sẽ bị thua lỗ" - ông Sanh đánh giá.
Hành khách đi buýt đường sông chủ yếu để trải nghiệm, tham quan
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Hùng Thuận nhìn nhận việc có thêm các tuyến BĐS cũng như có thêm đường, theo logic sẽ phần nào giúp giảm áp lực cho GTĐB. Song, với tuyến số 1 đang khai thác, dù thời gian tàu di chuyển khá nhanh, chỉ khoảng 45 phút trên toàn tuyến nhưng thực tế, thời gian hành khách phải chờ tàu lại gấp nhiều lần do khó mua vé theo đúng nhu cầu. Chưa kể, việc kết nối giữa BĐS với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác cũng còn nhiều hạn chế. "Tổng thời gian đi lại thông qua BĐS có khi mất cả ngày nên chỉ thích hợp với những hành khách không bị áp lực về thời gian, muốn đi tham quan, ngắm cảnh. Những người có nhu cầu sử dụng thường xuyên để đi làm thì sẵn sàng chấp nhận kẹt xe chứ không chuyển qua sử dụng BĐS" - ông Thuận phân tích.
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP HCM (HASCON), cũng cho rằng cần nhìn nhận lại mục tiêu tuyến BĐS có giảm gánh nặng cho GTĐB hay không. Ông dẫn chứng với tuyến số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm), theo dự kiến sẽ xây dựng sát đường Võ Văn Kiệt. Trong khi đó, đường này vốn là một trong những trục đường lớn nhất tại TP HCM, hiện chưa có đánh giá nào nói rằng cần sự chia sẻ giao thông bởi tình trạng kẹt xe. "Vậy tuyến BĐS số 2 sẽ đáp ứng được gì cho kỳ vọng giảm ùn tắc giao thông tại TP HCM? Không thể lẫn lộn giữa BĐS với các con tàu du lịch trên sông bởi bản chất khác nhau" - ông Phúc lưu ý.
Cho thế hệ sau này
TP HCM có hơn 1.000 km đường thủy, trong đó có 975 km đã được quy hoạch và tổ chức quản lý. Tiềm năng và lợi thế lớn nhưng việc phát triển giao thông, du lịch đường sông tại TP chưa được như kỳ vọng. Việc đưa vào vận hành tuyến BĐS số 1, theo nhiều chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực đường thủy, là một bước khởi đầu để phát triển hệ thống giao thông thủy tại TP HCM và kết nối với khu vực lân cận sau này. Tuy nhiên, trong việc phát triển hệ thống giao thông thủy, các chuyên gia đánh giá là khó khăn hơn nhiều so với GTĐB. Cụ thể, việc đầu tư cho các loại hình này thường có chi phí lớn hơn như đầu tư phương tiện, hệ thống bến bãi và các yếu tố kỹ thuật phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Chưa kể, hoạt động giao thông và du lịch đường thủy còn chịu tác động rất lớn từ thời tiết nên đòi hỏi kinh nghiệm quản lý, hiểu rõ đặc tính sông ngòi ở từng khu vực mới có thể khai thác.
Theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư dự án BĐS), tại TP HCM, người dân đã mất thói quen sử dụng đường thủy để đi lại và TP cũng không còn hình ảnh "trên bến, dưới thuyền" như trước. Vì vậy, việc hình thành tuyến BĐS như một tiền đề nhằm xây dựng lại thói quen của người dân, đối tượng mà dự án hướng tới là thế hệ trẻ sau này. Còn trước mắt, tuyến BĐS vẫn bảo đảm đúng chức năng là phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Theo ông Nguyễn Hải Linh, chủ tàu du lịch Elisa (hoạt động trên sông Sài Gòn), việc đưa vào vận hành tuyến BĐS là một bước đi khá "mạnh dạn". Ông Linh cho rằng để duy trì hiệu quả và đạt đúng mục tiêu vận tải hành khách công cộng gắn với định hướng phát triển du lịch, tuyến BĐS phải có sự kết nối giữa 2 phía. Những bất cập hiện nay chủ yếu do hạ tầng thiếu, quy hoạch bến bãi còn hạn chế nên TP cần nhanh chóng tháo gỡ.
Phải thay đổi tư duy
Trước đó, tại buổi tọa đàm phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TP HCM, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, cho rằng TP phải thay đổi tư duy, cách nhìn về phát triển giao thông gắn với du lịch đường thủy. Theo đó, cần quan tâm bằng những chính sách cụ thể, rõ ràng theo từng giai đoạn mới có thể đưa ra những chính sách nhằm mang lại hiệu quả mà trước mắt là cho tuyến BĐS.
Bình luận (0)