Sau khi kiểm tra hiện trường đoạn đường bị hư hỏng, Ban quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) chẩn đoán nguyên nhân phần mặt đường bị tụt 30 đến 40m là phạm vi của túi đất yếu. Đất yếu tụt xuống kéo theo phạm vi ảnh hưởng tụt nền đường xuống, gây hiện tượng nứt, tụt thẳng xuống. Có khả năng khu vực đất yếu này trước kia là cái đầm nước, ao được bồi lắng, khi khảo sát thì không phát hiện ra. Ban quản lý dự án 6 cho biết, loại trừ khả năng do công trình kém chất lượng vì từ đầu đến cuối tuyến đường đều ổn, chỉ duy nhất một vị trí này bị hư hỏng.
Đây là đoạn đường tránh qua địa bàn huyện Chư Sê có mức đầu tư gần 250 tỉ đồng do Ban Quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư. Tuyến đường được thiết kế theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng với tổng chiều dài hơn 10,8 km. Công trình khởi công từ giữa tháng 5-2018 và mới hoàn thành, nghiệm thu vào tháng 6-2019.
Đường tránh qua địa bàn huyện Chư Sê có mức đầu tư gần 250 tỉ, mới nghiệm thu đã nứt toác.
Bạn đọc Nguyễn Quốc Khánh bức xúc: Phát biểu vậy mà không "ngượng" sao, đường vừa làm xong đã nứt toác như thế mà vẫn nói là thi công đảm bảo chất lượng. Kiểu này "ông địa" mà biết nói năng thì coi chừng khó giữ được cái má khỏi xưng đấy các ông ạ.
Bạn đọc Thanh thì viết: Quá ngán cái kiểu đường hư là lập tức đổ lỗi cho ông trời nay tới phiên "ông địa" gánh lỗi. Bằng chứng là không ít công trình giao thông hư hỏng, xuống cấp trong thời gian qua đã bị quy kết nguyên nhân do ông trời gây mưa nhiều, mưa to dẫn đến hư hỏng. Bây giờ thì lại chuyển lý do sang "ông địa" ở con đường tại Chư Sê.
Nhiều bạn đọc đã viết trong sự phẫn nộ với giọng mai mỉa: Lương tâm và tay nghề rất cao, đường hỏng là do ông trời chứ có phải do đơn vị thi công đâu. Đường bị hư như vầy là do mưa nhiều. Tất cả làm đúng quy trình, tại "ông trời" đã đổ mưa to gây hiện tượng sụt lún, cũng có thể do "ông địa" đã làm địa chất yếu dẫn đến nứt đường; Đường nứt như thế này chắc do biến đổi khí hậu, vì khí hậu bây giờ biến đổi khó lường lắm…
Dư luận xã hội lại một lần nữa "cạn lời" về tình trạng liên tiếp những công trình hạ tầng giao thông, có chi phí thực hiện cả trăm tỉ đồng song chất lượng thì rất tệ. Ngoài đường 250 tỉ của huyện Chư Sê, có thể dẫn chứng vài con đường đau khổ khác như: cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chi phí đầu tư 34.000 tỉ đồng nhưng đầy lỗi: ổ gà, cầu thấm dột, sụt lún; Công trình bờ kè sông Tiền gần 400 tỉ đồng ở Tiền Giang vừa xây xong đã hỏng; Cầu 100 tỉ ở huyện Hàm Tân, Bình Thuận chưa nghiệm thu đã sập…
Bạn đọc Quách Đình Lực thắc mắc: Những công trình giao thông kém chất lượng này, lại phải cấp vốn tiếp để khắc phục hậu quả, lãng phí này ai sẽ chịu trách nhiệm?
Nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động đã kiến nghị: Bộ Giao thông vận tải cần sớm xem xét trách nhiệm của Hội đồng nghiệm thu, bởi nghiệm thu kiểu gì mà cho ra nhiều công trình giao thông kém chất lượng; xem xét lại qui trình chọn những đơn vị chịu trách nhiệm thi công, có khuất tất gì không, vì sao nhưng đơn vị thi công liên tiếp cho ra những sản phẩm giao thông bị lỗi.
Bình luận (0)