Khách hàng bị phân biệt
Mấy ngày qua, tôi đi chọn mua xe cho công ty, nhân viên đại lý ô tô cho biết nếu đúng là công ty thì mới bán?! Tôi thắc mắc: Giá bán như nhau, phí chênh lệch cũng như nhau, ai mua đều phải trả tiền, vậy tại sao cá nhân lại không được mua? Nhân viên đại lý cho biết: Đã đành vậy, nhưng đang là thời điểm chốt danh sách mua, cá nhân tự bỏ tiền túi nên suy nghĩ lâu, tốn nhiều thời gian của đại lý. Trong khi công ty là tiền chung nên quyết định nhanh gọn, phí chênh lệch hay quy định bắt buộc mua phụ kiện đều do công ty trả nên không công ty nào băn khoăn.
Chỉ trong một buổi chiều đến ba đại lý, tôi đều thấy tình trạng này. Nhiều đại lý còn “vẽ” cho các công ty muốn mua xe nhanh thì chi thêm tiền để trang bị “đồ chơi” như cảm biến lùi xe, màn hình LCD... mất vài chục triệu đồng. Giá xe đã cao càng thêm cao.
Bùi Thanh (quận 3 - TPHCM)
Không nên liên tục thay đổi thuế
Nhà nước đã xác định mục đích lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô VN chính là tăng cường tỉ lệ nội địa hóa trong quá trình sản xuất. Nếu các doanh nghiệp (DN) sản xuất ô tô thực hiện đúng cam kết này thì giá bán ô tô sẽ giảm xuống đáng kể, kích thích sức mua. Còn việc Bộ Tài chính áp dụng giảm thuế GTGT và thuế trước bạ, ngoài ưu đãi cho người tiêu dùng, còn được hiểu là kích thị trường ô tô trong nước sau một thời gian dài đóng băng. Theo tôi, không cần phải có chính sách này, cứ để thị trường tự quyết định theo nguyên tắc cung – cầu.
Tại một salon ô tô ở TPHCM. Ảnh: M.VÂN
Khi giá cao, cầu giảm, các DN buộc phải đưa ra nhiều chính sách, chiến lược về sản xuất và kinh doanh nhằm thu hút khách hàng. Một trong những giải pháp đó là thay đổi chính sách giá. Lúc này, người tiêu dùng được mua giá rẻ mà không cần bất cứ sự tác động nào từ cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh đó, để định hình chuẩn mực một ngành công nghiệp trọng tâm, cần phải có những chính sách ổn định. Thời gian qua, chỉ trong vòng 16 tháng, mức thuế đã thay đổi tới 6 lần! Việc thay đổi thuế xoành xoạch như vậy đã tác động bất ổn đến thị trường ô tô.
Phạm Bảo Liêm (quận 7 – TPHCM)
Bảo hộ làm gì ?
Khi đời sống ngày một nâng cao thì nhu cầu sử dụng ô tô ngày càng tăng. Vì vậy, nên xem ô tô là mặt hàng tiêu dùng chứ không phải là hàng xa xỉ để có cách quản lý phù hợp. Đặc biệt, đối với những DN sản xuất ô tô trong nước không thực hiện lộ trình nội địa hóa theo đúng cam kết thì cơ quan chức năng cần phải có giải pháp chế tài. Có như thế mới giải quyết được bài toán giá ô tô của thị trường VN đang được xem là cao nhất thế giới.
Cả một thời gian dài, các DN không thực hiện đúng cam kết nâng tỉ lệ nội địa hóa trong quá trình sản xuất ô tô thì Nhà nước bảo hộ để làm gì? Việc bảo hộ của Nhà nước thời gian qua chỉ bảo đảm lợi nhuận cho DN, trong khi người dân bị cắt cổ bởi giá bán ô tô cao ngất ngưởng. Nên xem xét lại có nên tiếp tục bảo hộ các DN sản xuất ô tô hay không?
Vũ Phú Minh (quận Ba Đình – Hà Nội)
Nên mở cửa thị trường ô tô nhập khẩu
Một trong những giải pháp đó được nhiều người tiêu dùng đề xuất là tạo điều kiện nhập khẩu ô tô, tạo ra sức ép cạnh tranh với các DN trong nước. Theo lộ trình cam kết WTO, chúng ta cũng phải mở cửa thị trường, cắt giảm mức thuế 70% vào năm 2014. Nếu thực hiện dần dần trước thời điểm trên sẽ tạo sức ép cạnh tranh công bằng, người tiêu dùng được hưởng lợi không chỉ về giá mà cả năng lực sản xuất của các DN sản xuất ô tô trong nước sẽ được nâng cao để theo kịp với xu hướng thế giới.
Lê Bích Hòa (quận Sơn Trà – Đà Nẵng)
Bình luận (0)