Vì sao công nghiệp ô tô VN ì ạch? Rất dễ thấy rằng thiết kế chiến lược ô tô của VN chưa tính đầy đủ đến công nghiệp phụ trợ, thế nên chỉ có lắp ráp.
Chấm dứt bảo hộ
Do bảo hộ quá lâu, liên doanh được hưởng ưu đãi thuế đánh rất cao đối với ô tô nhập khẩu nên họ cứ nhập linh kiện về (được ưu đãi thuế) mà lắp ráp tại VN rồi bán với giá rất cao. Được bảo hộ rồi, các liên doanh còn đâu động lực đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ để thực hiện cam kết nội địa hóa.
Mà không thực hiện thì cũng chẳng bị sao cả, nên khi doanh nghiệp VN tham gia lĩnh vực này cũng không được hỗ trợ bởi nền tảng công nghiệp phụ trợ nào, buộc phải lắp ráp là chính.
Để có công nghiệp ô tô, phải phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp ô tô sử dụng thiết bị, linh kiện trong nước, đồng thời Nhà nước phải tạo thêm sức ép cạnh tranh bằng thuế đánh vào bộ linh kiện nhập khẩu.
Như vậy quyền lợi người tiêu dùng mới được bảo đảm. Lâu nay, người tiêu dùng VN phải hy sinh quyền lợi rất nhiều qua việc mua ô tô với giá cao, trong khi đó chất lượng xe lắp ráp trong nước không bằng xe nhập khẩu.
Nếu chúng ta vẫn duy trì thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc cao thì các liên doanh thủ lợi, thậm chí cứ mon men tăng giá theo tỉ giá, luôn gây bất lợi cho người tiêu dùng. Cách đây mấy năm, một lãnh đạo Bộ Tài chính từng tuyên bố không thể mãi hy sinh lợi ích người tiêu dùng nhưng trong thực tế, lợi ích người tiêu dùng vẫn cứ tiếp tục bị “xâm hại”.
Người tiêu dùng VN lâu nay phải hy sinh quyền lợi rất nhiều qua việc mua ô tô với giá cao. Ảnh: T.THẠNH
Giải quyết mâu thuẫn trên bằng cách không cho nhập ô tô nguyên chiếc, lý do là hạ tầng không đáp ứng, sẽ gây kẹt đường? Cách làm này là lợi bất cập hại vì ngay cả khi không nhập khẩu, ô tô được lắp ráp trong nước cũng đã rất nhiều.
Thêm nữa, vấn đề hạ tầng là chuyện khác, phải phát triển hạ tầng tương ứng với nhu cầu thực tế chứ không thể đổ lỗi nhiều ô tô quá, thiếu đất và buộc người dân phải mua ô tô với giá cao. Dân có chi tiền nhiều đến mấy đi nữa, chỉ người bán xe được lợi, tiền đó không được đầu tư vào làm hạ tầng. Cho nên, chính sách phải đi từ mong muốn cuộc sống của người dân được cải thiện chứ không phải hạn chế nhu cầu, quyền lợi của họ.
Ổn định thuế, chống chuyển giá
Chính sách thuế không nên thay đổi nhiều. Mọi lần điều chỉnh chính sách thuế, lợi ích vẫn vì nhà sản xuất - kinh doanh chứ người tiêu dùng không được gì, đó là chưa nói đến việc không ít chính sách ra đời bởi sự lobby (vận động hành lang) của các nhóm kinh doanh.
Về chuyển giá, chúng ta có thể kiểm soát được. Các nước thành viên WTO đều quy định tính thuế trên cơ sở giá hợp đồng ký giữa các doanh nghiệp, đó là giá giao dịch chứ không phải biểu giá do Nhà nước áp đặt. Hải quan có thể biết được giá doanh nghiệp giao dịch với nhau là bao nhiêu hoặc so sánh với điều kiện thị trường, mức hợp lý ở thị trường mà doanh nghiệp nhập khẩu để tính ra mức tương đương.
Ngành hải quan hoàn toàn làm được điều này vì hiện nay ngành hải quan và thuế các nước đều đã ký các hợp tác chống gian lận thương mại; không phải ngẫu nhiên WTO quy định tính thuế dựa trên cơ sở giá hợp đồng, trên cơ sở các cơ quan Nhà nước đã có cam kết và hợp tác chống gian lận.
Đừng vội chọn dòng xe chiến lược quốc gia ! Bộ Công Thương đang trình đề xuất về dòng xe chiến lược quốc gia. Vội vã gì mà đưa ra chiến lược như vậy, nhất là đối với ô tô - sản phẩm có tính cạnh tranh rất cao, sức cạnh tranh thị trường rất mạnh đối với các nước xung quanh. |
Bình luận (0)