Đông đúc người đến nộp hồ sơ thi tuyển công chức tại Cục thuế Hà Nội
Hàng trăm thí sinh xếp hàng rồng rắn chờ lấy số thứ tự để nộp hồ sơ dự thi tuyển của Chi cục Thuế Hà Nội; Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương tổ chức thi tuyển 10 công chức nhưng có đến 299 thí sinh dự thi; kỳ thi công chức năm 2014 của Hà Nội chỉ tiêu tuyển công chức chỉ 458 người nhưng có tới gần 4.000 thí sinh dự thi… Vì lẽ gì mà dù mức lương cán bộ, công chức thấp hơn khi làm việc cho doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài nhưng ai cũng muốn vào, ráng “chạy” cho được một suất biên chế? Có dư luận cho rằng một giáo viên muốn vào trường công lập, không dưới 50 triệu đồng. Một bác sĩ từ tuyến huyện muốn chuyển lên tỉnh cũng ngót nghét chừng ấy. Ngay cả chức danh cán bộ cấp xã với đồng lương ba cọc ba đồng cũng phải bỏ ra hàng chục triệu đồng mới “xin” được.
Không nói ra thì ai cũng biết, không thể sống được bằng đồng lương công chức nhưng lại sống khỏe với những bổng lộc, thu nhập ngoài luồng từ quan hệ, công việc mang lại hoặc ít ra là “kiếm chỗ” để dành thời gian, công sức kiếm thu nhập từ bên ngoài…
Hình ảnh công chức đại diện cho một nền hành chính công, chìa khóa vận hành cải cách hành chính mà bất kỳ quốc gia nào cũng coi trọng. Ở Việt Nam, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn tinh giản biên chế với nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp cận với các dịch vụ công. Tuy nhiên, trên thực tế, ở một số bộ - ngành - địa phương, cách làm vẫn nặng về hô hào, hình thức dẫn đến việc không giải quyết được tình trạng dư thừa công chức.
Cần thiết phải có một cuộc thanh lọc để loại bỏ những công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Để làm được việc này, phải dẹp cho được tệ trạng “xin - chạy” công chức, định khung pháp lý riêng về xử lý công chức cũng như thiết lập hệ thống tuyển dụng và sử dụng công chức công khai minh bạch từ trên xuống.
Bình luận (0)