xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần những tấm gương

NGUYỄN PHƯƠNG ĐÔNG

Càng nhiều tấm gương về đối xử công bằng, tính ngay thẳng, lòng nhân ái, bao dung... càng ít chốn nương thân cho tư tưởng bạo lực

Những vụ bạo lực trong giới trẻ gần đây xuất hiện dồn dập, tính chất ghê rợn khiến cho những vụ bạo lực trước đó mau chóng bị quên lãng. Mới nhất là vụ va quệt xe giữa hai nhóm thanh niên ở quận 1-TPHCM và hậu quả là 2 người chết. Những cái chết xảy ra quá dễ dàng khiến người ta không hiểu nổi vì sao chỉ trong tích tắc, một người bình thường đã hóa thành kẻ sát nhân.

img
Tình trạng quá tải xe cộ và chất lượng đường sá không bảo đảm cũng làm tăng thêm căng thẳng
 trong cuộc sống người dân các đô thị lớn vốn đã chịu nhiều áp lực. Ảnh: TẤN THẠNH
 
Dân trí và khả năng kiểm soát cảm xúc
 
Lâu nay, nhiều ý kiến, trong đó có các chuyên gia, đã có những lý giải khác nhau về hiện tượng bạo lực nói chung. Nhưng quy lại, có thể nói “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” (Karl Marx). Nói cách khác, con người là sản phẩm tổng hợp của gia đình, nhà trường và xã hội; diện mạo con người như thế nào phụ thuộc vào sức tác động mạnh hay yếu, tốt hay xấu của 3 môi trường nói trên. Tất nhiên, con người không phụ thuộc thụ động mà có sức tác động trở lại theo cách nào đó đối với môi trường chung quanh... Biểu hiện của sự tương tác này tùy thuộc vào đặc điểm sinh học (phần “con”) và xã hội (phần “người”) tồn tại trong mỗi cá nhân. Đó là lý do vì sao trong những hoàn cảnh, tình huống giống nhau lại có những cách phản ứng khác nhau.
 
Trong cơn nóng giận do va chạm với người khác, một số thanh thiếu niên rút hung khí ra như một cách thể hiện sức mạnh cơ bắp, một kiểu thị uy để thỏa cơn tự ái vặt và cũng để chứng tỏ “máu anh hùng” giữa đường phố. Họ xem đó là cách “thể hiện” mình, thậm chí là giá trị. Nhưng với nhiều người, những hành động kia đơn giản chỉ là trò múa may khôi hài và thường kết thúc bằng chết chóc, tù tội. Chính trình độ dân trí và khả năng kiểm soát cảm xúc tạo ra sự khác biệt trên.
 
Xã hội đang biến động dữ dội, một số thang bậc giá trị thay đổi, thậm chí đảo lộn, trong khi không ít giá trị ảo xuất hiện chưa được mổ xẻ, cảnh báo đầy đủ. Nó như một bức tranh với những màu sáng, tối chập chờn, dang dở. Trong bối cảnh đó, bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều trong gia đình, ngoài đường phố mà đáng báo động nhất là ở chốn học đường, nơi vẫn được coi là có sức miễn nhiễm tốt nhất đối với “gió độc” từ bên ngoài. Bạo lực xuất hiện, trước hết, như một tín hiệu báo động về tình trạng mất niềm tin, có thể trong gia đình, lối xóm, trong lớp học hay đối với xã hội rộng lớn bên ngoài. Mất niềm tin, một dạng thức của khủng hoảng tinh thần, sẽ sớm đẩy con người đến chỗ tuyệt vọng vốn là nơi nuôi dưỡng những toan tính nguy hiểm. Những toan tính kia ngày càng bị dồn nén vào chốn tiềm thức (subconscious) như một thứ mặc cảm và khi bị đánh thức, bởi tác nhân nào đó như bia, rượu chẳng hạn, nó sẽ bùng lên thành bạo lực.
 
“Nâng cấp” vai trò con người
 
Người ta có thể giải thích bạo lực bằng nhiều cách khác nhau, vấn đề là ngăn chặn và đẩy lùi nó. Muốn vậy, cần rất nhiều nỗ lực để cải thiện 3 môi trường - gia đình, nhà trường, xã hội - trong đó đòi hỏi cấp bách là “nâng cấp” vai trò của con người, nhất là người lớn.
 
Đòi hỏi ở đây chính là những tấm gương.
 
Chúng ta vẫn hằng ngày đọc thấy trên các phương tiện truyền thông những hình ảnh không đẹp về sự bạo hành của chồng đối với vợ con, sự thiếu trung thực giữa vợ chồng hay những khoảnh khắc “im lặng đáng sợ” trong gia đình. Tất cả chỉ dẫn đến sự cô độc và tạo nên những vết hằn hung bạo trong tâm hồn các thành viên gia đình, đặc biệt là người trẻ. Và quả bom bạo lực chỉ chờ dịp bùng nổ!
 
Chúng ta cũng nghe những câu chuyện về một số thầy, cô giáo quá nghiêm khắc nhưng lại thiếu tình thương và sự thấu hiểu đối với học trò. Có thầy cô, vì lý do nào đó - dạy thêm hay nhận quà biếu của phụ huynh chẳng hạn - đã đối xử không công bằng, thiếu thiện cảm với một số học sinh trong lớp, dẫn dến tình trạng bất mãn, mất động lực học tập ở một số em. Chắc chắn trong trí óc non nớt của những học sinh kia đã manh nha ý nghĩ bạo lực.
 
Còn ngoài xã hội? Những vụ va quệt dẫn đến hành động giết người hoặc gây thương tích trên đường phố có “vai trò” đáng kể của đường sá. Không thể phủ nhận rằng tình trạng quá tải xe cộ hiện nay đã tăng thêm căng thẳng trong cuộc sống vốn đã chịu nhiều sức ép. Đã vậy, thói hung hăng, côn đồ trên đường phần lớn không được nghiêm trị làm gương đã tạo nỗi bức xúc kéo dài, dồn nén cho biết bao người đi đường. Nó là chất xúc tác cho bạo lực khi có điều kiện. Vì lẽ đó, người dân rất cần những tấm gương trách nhiệm, sâu sát, tận tụy và dũng cảm.
 
Xã hội cũng bị đe dọa bởi những văn hóa phẩm mang tính bạo lực, trong đó có các trò chơi trực tuyến đầy ma lực đối với một bộ phận giới trẻ. Đó thật sự là thách thức và vì thế cần đến những tấm gương “vì trách nhiệm cộng đồng” của các nhà quản lý văn hóa.
 
Và một đòi hỏi không thể không đặt ra là: Các nhà cầm cân nảy mực cần bảo đảm sự công bằng khi ban hành một chính sách hay đưa ra một quyết định có liên quan đến người dân, dù đối tượng nhắm đến chỉ là một người.
 
Càng nhiều tấm gương về đối xử công bằng, tính ngay thẳng, lòng nhân ái, bao dung... càng ít chốn nương thân cho tư tưởng bạo lực.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo