Tại TP HCM, từ lâu Trung tâm Bảo trợ trẻ em tàn tật và mồ côi Thị Nghè (quận Bình Thạnh), Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp), Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc… đã trở thành mái nhà của những phận đời kém may mắn. Ở đó có những đứa trẻ khuyết tật vừa chào đời đã bị bỏ rơi; những phận người mãi không biết được mẹ cha, quê quán; những phận đời bỗng chốc thành neo đơn, cơ nhỡ và cũng có cả những bậc sinh thành bị con cái hất hủi, lãng quên. Họ đều là những đối tượng cần được xã hội quan tâm nhiều.
Khao khát yêu thương
Từ năm 1994, chùa Kỳ Quang 2 của sư thầy Thích Thiện Chiếu đã được biết đến là một trong số những mái ấm tiếp nhận và nuôi dạy trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Hiện nay, chùa nuôi dưỡng 175 trẻ từ sơ sinh đến 18 tuổi. Trong đó có 80 em bình thường, còn lại là trẻ khuyết tật bẩm sinh. Mỗi em một hoàn cảnh nhưng phần lớn là trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa, bệnh viện. Có những em sống lang thang, không nơi nương tựa; có những em bị thiểu năng trí tuệ, không có khả năng vận động và không ít những em bị tâm thần bẩm sinh, nói cười một mình. Hễ thấy khách đến, nhiều em lại níu tay, đòi bồng bế, ôm cổ, dụi đầu vào mặt khách. Đã ôm các em vào lòng, thật không nỡ buông tay.
Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật và Mồ côi Thị Nghè hiện nuôi dưỡng 320 trẻ khuyết tật, bại liệt, thiểu năng trí tuệ bị bỏ rơi, 2% trong số đó là trẻ có gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn. Bên cạnh việc tiếp nhận, nuôi dưỡng, Trung tâm còn hỗ trợ chữa bệnh, phục hồi chức năng và giáo dục văn hóa, đạo đức cho trẻ. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức tiếp nhận giáo dục phục hồi cho gần 200 trẻ khuyết tật từ cộng đồng tại cơ sở bán trú.
Đôi mắt trong veo của bé gái nhìn theo khách đến thăm ở chùa Kỳ Quang 2
"Không những mang hình hài khuyết tật, hầu hết các em còn bị hạn chế về tư duy, không thể tự vệ sinh, ăn uống. Mọi hoạt động đều cần có nhân viên chăm sóc, hỗ trợ", chị Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết.
Nuôi dạy, chăm lo cho trẻ em bình thường đã khó, đối với trẻ khuyết tật, khó khăn càng tăng gấp bội. Không chỉ yêu cầu kỹ năng, kinh nghiệm mà hơn hết người chăm sóc phải có sự nhẫn nại, tình yêu thương và lòng hy sinh. Vì thế, đây còn được xem là nghề kén người.
Nhìn những đứa trẻ mang hình hài không hoàn chỉnh, những đứa trẻ sớm thiệt thòi khi vừa sinh ra đã bị bậc sinh thành ruồng bỏ nhoẻn miệng cười hạnh phúc khi nhận được cái xoa đầu từ cô giáo chăm nuôi, chúng tôi đã không cầm được nước mắt. Dù phận đời mang nhiều nỗi đau nhưng các em đã may mắn khi tìm được chốn bình yên để nương nhờ mà lớn lên.
Cần xã hội chung tay
Tính đến nay, đã có hàng ngàn đứa trẻ được chùa Kỳ Quang 2 cưu mang, nuôi dưỡng và trưởng thành. Nhiều em nay đã lập gia đình, đi làm, thu nhập ổn định. Không ít em không quên công ơn xưa của chùa đã quay về phụ giúp, dạy dỗ, chỉ bảo cho lứa trẻ đến sau.
Theo sư thầy Thích Thiện Chiếu, từ trước đến nay, nguồn thu chính để lo cho các em là từ sự hỗ trợ của Phật tử, người dân và các nhà hảo tâm. Họ đến ủng hộ gạo, lương thực thực phẩm, tiền mặt để giúp các em có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Còn tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em tàn tật và mồ côi Thị Nghè, chị Kim Thúy cho biết không phải lúc nào nguồn kinh phí của các cơ sở bảo trợ xã hội cũng đủ để chăm lo tốt cho các em. Để có thể nuôi dưỡng, dạy dỗ các em tốt nhất có thể, Trung tâm vẫn thường xuyên kêu gọi các nguồn hỗ trợ từ cộng đồng. Những ngày giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19 và đến tận hôm nay, khách đến Trung tâm vắng hoe. Nguồn hỗ trợ kinh tế, thực phẩm từ xã hội giảm hơn một nửa khiến lãnh đạo Trung tâm trăn trở, phải cố gắng cân đối như thế nào để không ảnh hưởng nhiều đến các em.
Trẻ mồ côi, người già neo đơn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Dù được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, mái ấm, nhà mở, vẫn cần lắm những tấm lòng vàng kết nối, hỗ trợ để họ thấy được tình thương yêu luôn hiện hữu và họ không bao giờ bị xã hội lãng quên.
Tiếp tục làm cầu nối
Sau gần nửa tháng thực hiện chương trình "ATM thực phẩm miễn phí", Báo Người Lao Động đã thay mặt các nhà hảo tâm gửi gạo, thực phẩm đến một số địa phương như quận 9, quận Gò Vấp, phường 6 - quận 3, phường Cát Lái - quận 2, chùa Long Thạnh (huyện Thủ Thừa - Long An)... để chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật trên địa bàn.
Không dừng lại ở đó, thời gian tới, Báo Người Lao Động sẽ trực tiếp đến Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè, Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, Trung tâm Nuôi trẻ mồ côi, Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Gia Định, chùa Kỳ Quang 2, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai... để trao tiếp những phần quà của chương trình.
Bình luận (0)