Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH), đến nay, quan điểm và nhận thức của xã hội về chuyện chung sống giữa những người đồng tính đã thay đổi so với thời điểm thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.
Người đồng tính cần được đối xử bình đẳng
“Ủy ban Thường vụ QH đề nghị bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính của luật hiện hành và chuyển sang quy định mới là “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” - bà Mai nói.
Ngoài ra, sau khi nghiên cứu, Ủy ban Thường vụ QH đã đồng ý bỏ quy định tại điều 16 của dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) quy định về giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính và các nội dung liên quan tại điều 130 về chung sống giữa những người cùng giới tính có yếu tố nước ngoài.
Tuy nhiên, đại biểu (ĐB) Lê Thị Tám (Nghệ An) cho biết hiện có khoảng 3%-5% dân số là LGBT (người đồng tính nữ, người đồng tính nam, song tính luyến ái, hoán tính/chuyển đổi giới tính), tương đương khoảng 3-5 triệu người. “Quyền và lợi ích hợp pháp của bất kỳ người dân nào là đều phải được nhà nước bảo vệ. Trước đây, dự thảo luật đã từng đưa ra quan điểm để bảo vệ những người này nhưng trong dự thảo mới nhất trình ra QH lại bỏ quy định, không đưa ra quan điểm xử lý vấn đề người cùng giới tính nhưng chung sống với nhau như vợ chồng. Tôi cho rằng cần xem lại” - ĐB Tám nói.
ĐB Lê Thị Tám nói thêm: Đến tháng 8-2013, đã có 16 nước công nhận hôn nhân đồng giới, 17 nước không công nhận nhưng thừa nhận đăng ký dân sự giữa những người cùng giới tính. Vấn đề người đồng tính đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến an toàn xã hội, thậm chí đã xảy ra những vụ án mạng man rợ liên quan đến người đồng tính trong thời gian gần đây. “Tôi cho rằng dự thảo luật cần bổ sung một chương quy định về chung sống, điều kiện, trình tự, thủ tục, giải quyết hậu quả nếu không sống chung nữa, quan hệ tài sản và quyền nuôi con, nếu có. Điều này còn thể hiện tiếng nói của nhà nước, nhân dân, giảm sự kỳ thị trong dư luận xã hội với người đồng tính, giúp họ sống đúng với con người mình và được thụ hưởng chế định xã hội bình đẳng hơn”.
Đã có pháp luật mà vẫn áp dụng tập quán: Phải cân nhắc!
Theo bà Trương Thị Mai, nhiều ĐB tán thành việc tiếp tục quy định cho phép áp dụng tập quán tốt đẹp về hôn nhân và gia đình nhưng đề nghị quy định rõ thẩm quyền công nhận tập quán là Chính phủ hay HĐND cấp tỉnh, các điều kiện và nguyên tắc đối với tập quán được áp dụng; đặc biệt, cần cân nhắc kỹ trường hợp pháp luật đã có quy định mà các bên vẫn áp dụng theo tập quán để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.
Tiếp thu ý kiến các ĐB, dự thảo luật không quy định áp dụng tập quán trong trường hợp “pháp luật đã có quy định”, chỉ áp dụng trong trường hợp không có quy định của pháp luật và các bên không có thỏa thuận để phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự, trên cơ sở tôn trọng quyền tự quyết định, quyền thỏa thuận của các bên.
Bổ sung quy định về mang thai hộ
Sau khi nghe Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH trình bày trước QH báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) vào chiều 27-5, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự thảo luật để bảo đảm tính nhân văn sâu sắc. Để quy định chặt chẽ, tránh việc lợi dụng thương mại hóa, bảo đảm quyền lợi của các bên, dự thảo luật đã đưa ra nhiều quy định cụ thể về điều kiện, thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; bổ sung nội dung thỏa thuận về việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa...
Bà Trương Thị Mai cho rằng: “Người mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản và quyền quyết định về số lượng bào thai, việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật về y tế, về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản...”.
Bình luận (0)