Vừa qua, Báo Người Lao Động có thông tin về trường hợp chị Lê Thị Thanh Thùy (19 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP HCM). Thùy mồ côi cả cha lẫn mẹ, không người thân, không có giấy tờ tùy thân (hộ khẩu, CMND) nên không mua được BHYT.
Trên thực tế, chị Thùy không phải là trường hợp duy nhất không mua được BHYT. Theo quy định pháp luật hiện hành, muốn mua BHYT phải có hộ khẩu và CMND kèm theo. Đây là thủ tục hành chính đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành, bắt buộc thực hiện. Tuy nhiên, nếu chỉ vì thủ tục, giấy tờ mà người dân không mua được BHYT là chưa thỏa đáng, vô lý.
Suy cho cùng, các quy định pháp luật chỉ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội theo chiều hướng tích cực, bảo đảm quyền, lợi ích tối đa cho mọi người dân sống trong xã hội ấy. Trong điều kiện kinh tế đất nước ta còn khó khăn, nhiều nhu cầu thiết yếu về phúc lợi xã hội có thể chưa đáp ứng được nhưng chỉ vì thủ tục mà người dân không thể mua BHYT, tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì không thể chấp nhận được. Hơn nữa, chúng ta đang vận động, khuyến khích người dân tham gia BHYT thì thiếu giấy tờ, thủ tục mà không được mua lại càng không thuyết phục.
Với bất kỳ lý do nào đó mà chưa có sự bình đẳng về quyền giữa những người trong xã hội, trong cùng một đất nước, địa phương thì cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu của người dân. Người dân ở đây là mọi người chứ không chỉ riêng công dân - người có quốc tịch Việt Nam, điều này đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013.
Thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền cần sớm xem xét sửa đổi quy định về quyền được mua BHYT và được khám, chữa bệnh BHYT. Chỉ cần người dân chứng minh được sự tồn tại của họ và được công ty hoặc người thân bảo lãnh, xác nhận là được mua và khám, chữa bệnh BHYT. Riêng trường hộp chị Thùy, các cơ quan chức năng liên quan cần quan tâm, tạo điều kiện cho chị Thùy có các giấy tờ tùy thân như hộ khẩu, CMND nếu chị cư trú liên tục, thời gian dài ở một địa chỉ hoặc địa phương xác định.
Bình luận (0)