Theo thống kê, TP HCM xảy ra 1.173 vụ cháy trong 3 năm. Trong đó, 578 vụ xảy ra tại nhà ở hộ gia đình. Loại nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất (hộ kinh doanh) có 595 vụ.
"Bà hỏa" chực chờ
Hiện TP HCM có 1.335.126 nhà ở hộ gia đình (không bao gồm căn hộ chung cư, nhà ở khu đô thị, khu dân cư mới chưa thành lập tổ dân phố). Trong đó, 57.241 được đánh giá có nguy hiểm về cháy, nổ vì xây dựng bằng vật liệu dễ cháy, hệ thống điện không đảm bảo.
Tương tự, TP HCM có 294.085 hộ kinh doanh. Đáng lưu ý, 103.976 hộ chưa đăng ký kinh doanh. Trong số đó, 39.895 cơ sở thuộc nhóm đối tượng này tồn tại nhiều nguy cơ cháy, nổ, như: cấu kiện xây dựng bằng vật liệu dễ cháy; hệ thống điện không đảm bảo an toàn; hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến nhiều loại chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ…
Hiện trường một vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh )
Chính vì thế, Cảnh sát PCCC TP HCM nhận định tình hình cháy, nổ xảy ra tại 2 loại hình nhà ở nói trên tiếp tục diễn biến phức tạp.
Khó thoát thân!
Quá trình thanh, kiểm tra nhiều vụ cháy, nổ xảy ra trong nhiều năm ở TP cho thấy nguyên nhân trực tiếp gây cháy, nổ là do vi phạm quy định an toàn trong sử dụng điện.
Kế tiếp, tình trạng cháy lan, cháy lớn xuất phát từ nguyên nhân người dân sắp xếp hàng hóa dễ cháy với khối lượng lớn ở khu vực kinh doanh tầng trệt, trên các lối đi lại mà không có giải pháp ngăn cháy lan, chống tụ khói.
Chưa kể, nhiều hộ gia đình tự ý lắp đặt thêm nhiều lớp cửa, làm lồng sắt bảo vệ. Vì thế, nạn nhân không thể thoát thân khi có cháy.
Chữa cháy tại khu dân cư, kinh doanh
Đa số vụ cháy xảy ra vào ban đêm, nhà ở không có hệ thông báo cháy tự động. Do không phát hiện kịp thời dẫn đến cháy lớn. Nạn nhân dễ bị ngạt khói gây bất tỉnh rồi tử vong. Mặt khác, kỹ năng và ý thức người dân đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa, xử lý sự cố.
Kết quả điều tra, khảo sát về công tác PCCC chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng. Cụ thể, UBND cấp phường, xã ở một số địa phương chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ.
Số lượng nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh quá nhiều nhưng không được quy định trong danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC.
Bên cạnh đó, vấn đề giao thông và nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy tại nhóm đối tượng trên tồn tại nhiều bất cập.
Trước tình hình trên, Cảnh sát PC&CC TP HCM duy trì công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình toàn bộ công tác an toàn PC&CC đối với nhà ở hộ gia đình và hộ kinh doanh. Cơ quan chức năng xác định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về PC&CC tại khu dân cư; đẩy mạnh tuyên truyền. TP đã và đang xây dựng quy định về an toàn PC&CC đối với 2 loại nhà ở sao cho phù hợp với tình hình thực tế…
Bình luận (0)