Những ngày qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết của một bé trai 5 tuổi ở Nghệ An. Nghi phạm (một học sinh lớp 11 cùng xóm) khai sát hại nạn nhân theo game online.
Không phân định được thế giới ảo và thật
Đây không phải là cái chết đầu tiên và có lẽ cũng chưa là án mạng cuối cùng liên quan đến loại hình giải trí này khi thời gian qua đã có nhiều vụ việc đau lòng diễn ra do tình trạng nghiện game ở người trẻ.
Có những vụ án được hung thủ lấy ý tưởng từ game. Những trò chơi, hành động trên các game đã trở thành gợi ý cho nhiều đối tượng thực hiện các vụ bắt cóc, giết người dã man. Những kẻ phạm tội có ảnh hưởng từ game đều rơi vào trạng thái không phân định được thế giới ảo và thật.
Thi thể bé trai 5 tuổi bị sát hại do nghi phạm nghiện game được phát hiện gần căn nhà hoang trong khu rừng Ảnh: ĐỨC NGỌC
Trở lại với án mạng mới đây ở Nghệ An, chúng ta không khỏi rùng mình lo sợ khi nghi phạm bắt một bé trai "đóng vai" như nhân vật trong game, giam giữ trong rừng để thực hiện trò tìm chuộc, thì lại là một diễn biến mới rất đáng báo động. Bởi sự việc này diễn ra trong âm thầm, không ai biết được nên khó có thể ngăn chặn hành vi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Hơn thế nữa, vụ việc lại diễn ra ở một vùng núi xa xôi, hẻo lánh cho thấy những tác động của thế giới mạng xã hội, game online hiện nay rất khủng khiếp, không loại trừ ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lứa tuổi nào.
Ngày nay, căn bệnh nghiện game không còn có tính chất đơn lẻ mà đã trở thành căn bệnh thời đại của giới trẻ. Khi thị trường game online toàn cầu tăng trưởng chóng mặt và tạo ra giá trị thị trường hàng trăm tỉ USD mỗi năm, thì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đưa ra cảnh báo về tình trạng nghiện game và xếp loại nó vào nhóm các loại bệnh rối loạn tâm thần. Căn bệnh này, đối với những trẻ được chữa khỏi vẫn có thể để lại những di chứng về tinh thần. Theo thống kê của WHO, có tới 70%- 80% trẻ em từ 10 đến 15 tuổi thích game online, trong đó, tỉ lệ trẻ bị nghiện chiếm khoảng 10%-15%.
Nhà phát hành vi phạm quy định
Thực tế cho thấy đa phần các doanh nghiệp phát hành game hiện vẫn vi phạm các quy định trong Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và Thông tư 24/2014/TT-BTTTT quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.
Cụ thể người chơi hoàn toàn có thể dùng tài khoản của Google và Facebook để chơi game, điều này có nghĩa nhà phát hành hoàn toàn thả lỏng quy định yêu cầu người chơi phải cung cấp thông tin cá nhân khi chơi game như họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số chứng minh nhân dân...Việc lưu thông tin cá nhân của người chơi, hiện nay rất ít nhà phát hành áp dụng. Bên cạnh đó, các quy định về độ tuổi chơi game hay hạn chế thời gian chơi game cũng rất hình thức. Nhà phát hành chỉ đặt dòng thông báo game dành cho người trên 18 tuổi và để bảo đảm sức khỏe thì người chơi không được chơi quá 180 phút (như trong quy định) nhưng thực tế người chơi mọi lứa tuổi đều có thể đăng ký chơi và chơi bao lâu tùy thích mà không gặp sự ngăn cản nào.
Mức xử phạt hành chính không đủ răn đe
Cũng theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP, hoạt động của quán game được phép hoạt động trong khung thời gian quy định và không được hoạt động từ 22 giờ đến 8 giờ hôm sau. Tuy nhiên, thực tế chỉ cần bỏ ra số tiền từ 30.000-50.000 đồng, khách có thể chơi gói xuyên đêm. Mức xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hoạt động quá khung giờ cho phép còn thấp, chỉ khoảng vài triệu đồng, lại không có chế tài rút giấy phép khi tái phạm nhiều lần.
Cũng cần nhìn thực tế nhiều phụ huynh không có kiến thức về mạng và bảo vệ con trên môi trường mạng. Đây là một nguy cơ rất lớn đến an toàn của trẻ. Thực trạng trẻ nghiện game ngày càng tăng, trong khi nhiều phụ huynh ít quan tâm con cái, thiếu kiến thức cũng như không lường hết hậu quả của loại hình giải trí này.
Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp mạnh hơn để buộc các nhà phát hành trong nước tuân thủ các quy định về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ game online; có chế tài xử lý thích đáng, đủ răn đe. Cần có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát chặt game lậu vào thị trường Việt Nam thông qua các kho ứng dụng trên thiết bị di động hay quảng bá qua mạng xã hội Facebook, YouTube...
Để đồng hành cùng con trên mạng, việc đầu tiên là phụ huynh nên tìm hiểu internet, các công cụ liên quan và an toàn trực tuyến để biết ứng phó những mối nguy hại, hướng đến kênh thông tin an toàn cho trẻ.
Bình luận (0)