Các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn, xử lý tuy nhiên vẫn chưa nhiều chuyển biến tích cực. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là công tác kiểm tra, giám sát chưa đạt kết quả như mong muốn.
Theo quy định hiện hành, người dân, cấp dưới có quyền chất vấn, giám sát cơ quan nhà nước, cán bộ cấp trên, tuy nhiên việc triển khai trên thực tế còn nhiều khó khăn, bất cập, một số nơi thậm chí còn hình thức. Bởi chưa có quy định cấp dưới được quyền ra quyết định kiểm tra cấp trên mà chủ yếu là giám sát, phản ánh, kiến nghị.
Mặt khác, pháp luật chỉ quy định cấp trên có quyền quản lý, kiểm tra, thanh tra cấp dưới mà chưa có quy định ngược lại trong một số trường hợp, cấp dưới cũng được quyền kiểm tra cấp trên. Thực tế dù biết nhiều trường hợp cơ quan cấp trên vi phạm pháp luật nhưng cấp dưới chỉ biết… chịu trận. Trường hợp bị chèn ép quá mới "liều mạng" đứng đơn tố cáo và đa số là… thua thiệt.
Ngoài ra, theo chức trách, nhiệm vụ được giao, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra cơ quan, đơn vị khác về vấn đề được giao quản lý nhà nước nhưng thực tế ngay tại cơ quan, đơn vị mình thì chưa làm tốt. Minh chứng là nhiều cơ quan có chức năng kiểm tra cải cách hành chính, kiểm tra công vụ, chấp hành pháp luật… nhưng chính các cơ quan đó để xảy ra sai phạm về vấn đề mà họ đi kiểm tra, thanh tra cơ quan khác.
Do đó, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nghiên cứu, mạnh dạn quy định trong một số trường hợp cấp dưới có quyền được kiểm tra cấp trên, cơ quan bị kiểm tra có quyền kiểm tra chéo, kiểm tra ngược lại đối với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra. Có như vậy mới bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát đi vào thực chất; góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Bình luận (0)