Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty tnhh Thường Nhật:
Sớm lập quy hoạch hệ thống bến thủy
Giá trị ven bờ sông, kênh rạch của TP rất lớn, khi có nhiều cánh cửa mở ra sông sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư mạnh dạn triển khai nhiều mô hình vận tải sông nước như buýt sông, taxi sông, du lịch thưởng ngoạn sông nước… vừa nâng cao chất lượng sống của người dân vừa góp phần tăng trưởng kinh tế thông qua sản phẩm du lịch sông nước. Một hệ thống giao thông thủy đa dạng, thuận tiện sẽ dễ dàng kết nối việc đi lại của người dân đến các khu phức hợp ven sông, khu bảo tồn, du lịch miệt vườn, khu sinh thái, dân cư, nhà máy, cảng biển, các đặc khu biển đảo, các quốc gia liền kề, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường khi các sản phẩm thực hiện tôn trọng thiên nhiên.
Do đó TP nên sớm giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng hệ thống bến thủy và luồng tuyến một cách khoa học, đúng kỹ thuật, phù hợp điều kiện thủy văn, thủy triều, mang tính biểu tượng với thiết kế độc đáo. Ngay bây giờ, TP phải lập quy hoạch đầu tư xây dựng hệ thống bến thủy trên toàn địa bàn, qua đó hình thành dự án sông nước với tiêu chí tạo ra một hệ thống hạ tầng luồng tuyến bến thủy hiện đại, thân thiện môi trường, đồng thuận với tự nhiên, đồng thuận với lòng dân.
Khi phát triển hệ thống hạ tầng, bến thủy, nhiều sản phẩm du lịch sông nước sẽ hình thành, chia bớt áp lực với giao thông bộ Ảnh: Gia MinhTS-KTS Lê Văn Năm:
Tăng mức đầu tư cho bảo vệ, chỉnh trang
Hệ thống sông, rạch trên toàn TP HCM có tổng chiều dài khoảng 7.955 km, tổng diện tích mặt nước khoảng 16% diện tích đất TP, tương đương 35.192 ha. Bên cạnh những chức năng chính về phát triển kinh tế, cảng, logistics, giao thông vận tải khách đường thủy, thoát nước đô thị…, sông rạch còn đóng vai trò quan trọng vào việc tạo lập cảnh quan, không gian mở đô thị và cải thiện chất lượng môi trường sống. Trên hết, sông rạch góp phần tạo dựng những nét đặc trưng của TP như là một đô thị sông nước hiện đại, giàu truyền thống.
Muốn hệ thống sông rạch đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển bền vững của TP, chính quyền TP cùng các sở, ngành nên nghiên cứu triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, từ chính sách, truyền thông đến đầu tư và quy hoạch - xây dựng. Cụ thể, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý về bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị của hệ thống sông rạch, cần có cơ chế khuyến khích cộng đồng dân cư, doanh nghiệp tham gia tích cực bảo vệ hệ thống sông, kênh rạch. Ngoài ra, TP phải tăng thêm mức đầu tư từ ngân sách cho các công tác bảo vệ, cải tạo chỉnh trang và phát huy lợi thế sông rạch. Trước mắt, tập trung cho công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, lập dự án nhằm kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, xây dựng các cơ chế linh hoạt nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư tư nhân, xã hội hóa các dự án cải tạo chỉnh trang sông rạch thông qua việc lập danh mục các tuyến kênh rạch trọng điểm cần đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng kế hoạch tổng thể, phân kỳ đầu tư từng giai đoạn.
Quản lý tốt đới bờ biển Cần Giờ
Đới bờ biển là vùng chuyển tiếp môi trường biển và môi trường lục địa tương tác lẫn nhau hình thành một môi trường thống nhất từ bề mặt đến nhiều lớp địa tầng ở bên dưới. Điều này rất cần diễn đạt bằng ngôn ngữ đại chúng để người dân và doanh nghiệp đầu tư ven biển hiểu rõ, giúp họ hợp tác tích cực với chính quyền, bảo vệ vững chắc đới bờ biển trong quá trình phát triển kinh tế và đầu tư. Tránh tình trạng sạt lở bờ biển tràn lan vì cấp phép đầu tư ngay trên đới bờ biển.
Biến đổi khí hậu và nước biển dâng không phải là nguyên nhân chính làm cho bờ biển sạt lở mà nó chỉ góp một phần nhỏ. Chính con người đã có những hành động như khoan giếng ngầm tràn lan; xây dựng quá nhiều khu nghỉ dưỡng... làm mất đi sự ổn định của vật chất địa tầng đới bờ biển, làm cho đới bờ biển sụp đổ. Rất cần có một giải pháp đúng cho vấn đề này để bảo vệ bờ biển của chúng ta, nhất là trong tương lai, TP HCM phát triển Cần Giờ thành đô thị du lịch sinh thái.
Trước hết, việc cấp phép đầu tư phải mời các nhà khoa học độc lập khảo sát và thẩm định địa tầng đới bờ biển, phải có số liệu đo địa chấn sóng biển vỗ bờ hằng năm để xác định ranh giới tương đối của đới bờ trên đất liền qua đó xác định địa giới cho phép xây dựng. Quản lý tốt hậu đầu tư, có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe nếu cố ý tác động đến địa tầng đới bờ biển. Cuối cùng là ngưng sử dụng toàn bộ các giếng khoan lấy nước ngầm. Trước khi ngưng sử dụng, đề nghị bơm bù các hạt vật chất có kích cỡ, đặc tính tương đương với lớp địa tầng mà chính giếng khoan đó đã tạo ra khoảng trống vật chất trong lớp địa tầng nhằm hạn chế bớt phản ứng dây chuyền đang diễn ra trong đó. Ngoài giải pháp trên, cần đi kèm với việc căn cứ vào bình đồ của đới bờ để tạo ra các dòng chảy định hướng của nước mưa trên bề mặt nhằm ổn định bề mặt đới bờ trong mùa mưa bão. Dòng nước mưa định hướng được sự cộng hưởng của xung lực sóng biển trong mùa mưa bão sẽ sắp xếp lại vật chất bề mặt theo một trật tự mới trên đới bờ góp phần giảm xói lở bề mặt.
Nguyễn Văn Nhuận
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)