Ngày 18-8, Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, TP HCM cho biết hiện nay cây mai dương đang sinh trưởng và phát triển ngày càng nhiều. Ban đầu cây chỉ mọc ở ven đường Rừng Sác, gần đây cây đã mọc len vào bên trong và xâm lấn đến lõi rừng ngập mặn.
Đây là giống cây ngoại lai, họ đậu. Cây có thể mọc cao tới 2 m, mọc dày đặc ở vùng đất ẩm ướt. Thân và lá cây có nhiều gai cứng từ gốc đến ngọn, quả cây có nhiều lông ngứa.
Mặc dù thời gian qua cơ quan chức năng đã nhiều lần thực hiện các đợt ngăn chặn, tiêu diệt cây mai dương, nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để tình trạng bùng phát của giống cây ngoại lai này. Nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả, nguy cơ loại cây này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái của rừng ngập mặn Cần Giờ.
Cây mai dương - giống cây ngoại lai hiện đang mọc rất nhiều ở Cần Giờ
Theo khảo sát của Viện Sinh thái học Miền Nam hiện nay Cần Giờ có 296 loài, nhóm thực vật. Diện tích rừng Cần Giờ đã tăng lên hơn 1.916ha, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng trong Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ từ 40,31% (năm 2010) lên 42,84%.
Ngoài ra, số loài chim tại rừng Cần Giờ hiện nay còn phong phú hơn cả rừng ngập mặn Cà Mau (có 164 loài). Một số loài vào loại đặc biệt như giang sen, bồ nông chân xám; ngoài ra còn có rái cá, cá heo lưng bướu Thái Bình Dương.
Nhìn tổng thể, Khu dự trữ sinh quyền rừng ngập mặn Cần Giờ có màu xanh bao phủ rất đẹp. Tuy nhiên theo các chuyên gia, tình trạng cây yếu, sâu đục thân đang diễn biến phức tạp.
Bình luận (0)