Thời gian vừa qua ở nước ta liên tiếp xảy ra những vụ án man rợ, làm rúng động dư luận như vụ sát hại 4 người ở Nghệ An hay mới nhất là sát hại 6 người ở Bình Phước. Trước đó, vụ án giết người ở Bắc Giang do Lê Văn Luyện thực hiện hay vụ chặt tay cướp xe SH do Hồ Duy Trúc cầm đầu cũng gây bất an cho người dân. Phải chăng tội phạm ngày càng man rợ? Hình phạt tử hình hay chung thân có thể ngăn chặn được những tội ác như thế này?
Tác động của môi trường giáo dục
Có thể khẳng định tội phạm thời nào cũng có, quốc gia nào cũng có. Từ khi con người xuất hiện đã có sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, nó hiện hữu trong mọi đời sống xã hội. Điều này luôn đặt ra cho xã hội nhiệm vụ đấu tranh diệt trừ cái ác, hướng mọi người đến điều thiện.
Lý giải về thực trạng thì ai cũng dễ dàng nhận ra nguyên nhân là do kẻ thực hiện tội ác nghiện ma túy, nghiện game, bị ảnh hưởng bởi phim ảnh bạo lực hay sống trong môi trường không lành mạnh, sự suy đồi đạo đức, lối sống buông thả… Một số tội ác man rợ xuất phát từ ý nghĩ nhằm che giấu tội phạm, gây khó khăn cho quá trình điều tra để hòng thoát tội.
Nhưng gốc rễ của tội ác vẫn từ sự thiếu giáo dục mà ra. Giáo dục giữ vai trò chủ đạo đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Giáo dục ở đây phải là “kiềng 3 chân”: Gia đình - nhà trường - xã hội. Gia đình là tế bào của xã hội, có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến tư duy, nhận thức của một con người. Kế đến là môi trường giáo dục ở nhà trường, là nơi có những tác động rất lớn đến sự phát triển nhận thức của con người. Cuối cùng là môi trường xã hội. Nếu môi trường xã hội còn tồn tại nhiều tiêu cực, tệ nạn thì dễ tác động đến con người, hình thành những suy nghĩ tiêu cực và dễ bị sa ngã.
Làm trong sạch môi trường sống
Nếu cho rằng các biện pháp như án tử hình, tù chung thân… có thể ngăn ngừa hành vi phạm tội man rợ, theo tôi, không hẳn đúng. Bởi lẽ, khi thực hiện hành vi phạm tội thì thủ phạm chưa nghĩ đến hậu quả mà mình sẽ gánh chịu hoặc bất chấp hậu quả vì động cơ, mục đích nào đó như trả thù, chiếm đoạt tài sản hay động cơ đê hèn khác. Mặt khác, trong quá trình xét xử ở nước ta, tòa án cũng áp dụng hình phạt tử hình khá nhiều đối với loại tội: Giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy… nhưng nó cũng chỉ có tác động phòng ngừa chung trong hạn hữu, chứ không phải biện pháp hữu hiệu trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Chính vì vậy, không phải cứ áp dụng hình phạt nặng nhất hay tăng nặng hình phạt mang tính trừng trị thì việc phòng ngừa tội phạm sẽ có hiệu quả. Mà ở đây cần loại bỏ nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, trong đó việc lành mạnh hóa môi trường sống, phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội để phát triển tính hướng thiện của con người là biện pháp ngăn chặn tội phạm hữu hiệu nhất. Việc giáo dục còn tồn tại nhiều vấn đề thì rõ ràng nó ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành và phát triển nhân cách của con người. Nếu một người có nhân cách “xấu” thì đó là mầm mống của những tội ác về sau.
Ám ảnh về tội ác
Nhiều bạn đọc cho biết gia đình mình đã bị ám ảnh bởi những tình tiết của vụ án giết 6 người ở Bình Phước. Đêm ngủ bất an, lo sợ khi nghe tiếng động lạ mà mọi ngày thấy rất bình thường. Bạn đọc Thanh Tâm viết: “Những vụ trọng án cướp giật, giết người trong thời gian qua đã gây hoang mang cho rất nhiều người. Chúng tôi không còn an nhiên, thoải mái khi bước ra đường. Đêm về nhìn vẻ mặt ưu tư của các con mà thêm lo lắng”.
Không ít bạn đọc đặt vấn đề về trách nhiệm và khả năng của các cơ quan chức năng. “Làm sao chúng tôi yên tâm, có cuộc sống bình an nếu tội ác cứ diễn ra tàn bạo thế này. Vì mâu thuẫn nhỏ cũng dễ dàng đâm chém nhau; vì một chiếc xe máy mà sẵn sàng xuống tay giết người; vì vài triệu đồng mà tàn sát cả một gia đình... Để người dân bất an chính là sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý xã hội” - bạn đọc Văn Hoàng phân tích.
P.Hồ
Bình luận (0)