xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Học cách làm chủ cảm xúc

Trường Hoàng thực hiện

Hiền lành, ngoan ngoãn nhưng lại thực hiện hành vi giết người tàn ác. Cái ác đến từ đâu? Đó là câu hỏi khiến dư luận băn khoăn từ sau khi cơ quan công an xác định nghi phạm trong vụ án ở Bình Phước

Dưới đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Người Lao Động và tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam (Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP HCM) về vấn đề này.

Phóng viên: Sau khi cơ quan công an xác định Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến là 2 nghi phạm thực hiện hành vi giết cả gia đình 6 người ở Bình Phước, dư luận thật sự sốc. Nếu việc này được thực hiện bởi một băng cướp, nhóm giang hồ nào đó thì còn có thể hiểu, đằng này cả 2 thanh niên trên đều được đánh giá ngoan hiền, gia đình lương thiện, sao có thể thực hiện hành vi tàn ác đến như vậy?

img

- Tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam: Người sống trong môi trường không ô nhiễm, rất vệ sinh, ăn uống kỹ lưỡng, ra gió phải mặc ấm, đội nón… lại là người dễ bị bệnh nhiều nhất do không có sức đề kháng. Việc giáo dục lớp trẻ cũng vậy, phải có sự luyện tập, trang bị cho trẻ ý thức, ý chí trước khi dấn thân. Cũng như cho làm quen với vi trùng thì khi tiếp xúc, trẻ sẽ biết cách chế ngự.

Trở lại vụ án ở Bình Phước, Nguyễn Hải Dương trước nay là người lương thiện, không có tiền án, tiền sự, yêu hết lòng và được yêu lại... Mối quan hệ tình cảm đó tốt đẹp đến mức mẹ Hải Dương không bao giờ ngờ con trai mình có thể hành động như vậy. Đây là tính chất mà các nhà tâm lý học gọi là đột biến nội tâm, đột biến về tâm lý. Sở dĩ đột biến vì nó diễn ra bất ngờ từ trạng thái hiền lành, chân chất, yêu thương hết lòng đến chỗ trả thù và trả thù không gớm tay. Nguyên nhân là do chính đương sự không làm chủ được cảm xúc nội tâm của mình, thiếu kỹ năng kiềm chế, để cảm xúc tiêu cực lấn át lý trí và ý chí.

Khi cơn giận bùng lên thì khói đen của nó sẽ che khuất tất cả. Xét cho cùng, Hải Dương cũng là nạn nhân của chính cảm xúc tiêu cực, sang chấn tâm lý quá nặng khi bị gia đình người yêu từ chối. Anh ta không còn gì để tha thiết nên rắp tâm trả thù để khẳng định “bản lĩnh” cá nhân. Không ngờ chính hành động trả thù đã làm anh ta mất tất cả. Cái mà anh ta muốn khẳng định lại không thể khẳng định được. Nó như cơn khói của cuộc hỏa hoạn.

* Tiến sĩ lý giải như thế nào về tâm lý của một kẻ gây án xong còn có thể quay lại hiện trường để chứng kiến tội ác của mình?

- Theo lẽ thường, lần đầu tiên phạm tội, Hải Dương sẽ rất bối rối, bị ám ảnh và lẩn trốn nhưng ngược lại, anh ta đóng kịch rất giỏi khi tỏ ra xót xa, thương tiếc gia đình người yêu. Điều này cho thấy anh ta còn mang căn bệnh vô cảm, bấy lâu nay âm ỉ trong người nhưng anh ta cũng không hay biết. Anh ta thiếu sự mẫn cảm của lòng nhân ái, thiếu tấm lòng xót xa đến thân phận của con người. Vô cảm không được báo động sẽ lan đi rất nhanh và nó được tiếp tay bởi những truyện phim, trò chơi trực tuyến trên mạng.

 

Nghi can Nguyễn Hải Dương Ảnh: LÊ PHONG
Nghi can Nguyễn Hải Dương Ảnh: LÊ PHONG

 

* Từ vụ việc này, tiến sĩ có lời khuyên gì cho phụ huynh lẫn giới trẻ?

- Cha mẹ là tấm gương cho con cái. Hãy dạy con lòng vị tha, bao dung độ lượng; dạy con biết chia sẻ, hỗ trợ những người xung quanh; luôn lắng nghe, chia sẻ quan điểm cùng con bằng cả tấm lòng… Tuy nhiên, cần lưu ý, không chỉ cha mẹ mà bạn bè, thầy cô, láng giềng… cũng là gương phản chiếu để trẻ noi theo. Một khi người lớn vô cảm thì đừng trách trẻ vô cảm.

Ngoài ra, đừng chăm bẵm, bảo bọc trẻ quá, hãy trang bị cho trẻ kiến thức và để trẻ trải nghiệm cuộc sống, dấn thân thì khi gặp những “cơn địa chấn”, trẻ sẽ biết cách chế ngự được sự nóng giận và có cách vượt qua. Hiện TP HCM có nhiều trung tâm giáo dục kỹ năng sống, nếu có điều kiện, phụ huynh nên cho trẻ tham gia để trang bị những kỹ năng sống cần thiết.

Chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ, cần có kỹ năng kiềm chế cơn giận dữ bằng nhiều cách, như: hít sâu, giữ hơi thở thật lâu để hạn chế cơn bốc hỏa trong lòng; uống ly nước; tạm thời rời bỏ hiện trường; dùng âm nhạc làm dịu tinh thần.

 

Phải kiểm soát mạng xã hội

Tiến sĩ Võ Văn Nam nói thêm: “Có rất nhiều bài học mà tôi đã phân tích. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh ngành văn hóa thông tin cần nhanh chóng kiểm soát mạng xã hội. Nói hơi cực đoan nhưng thực tế mạng xã hội hiện nay là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội ác. Bởi vì trong thế giới phẳng, mọi thông tin đều rất nhanh trong khi đó giới trẻ nhạy hơn người lớn, tin vào mạng xã hội hơn tin vào người lớn, bài báo hoặc tin tức chính thống. Nếu chúng ta không làm trong sạch môi trường này, thiếu định hướng dư luận xã hội thì sẽ tiếp tục có những hệ lụy xấu xảy ra từ đấy”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo