Chỉ trong 7 ngày, 2 người đã chết vì bị cuốn xuống hố ga, mương thoát nước trong cơn mưa khiến nhiều người không khỏi xót xa. Dư luận cho rằng cần phải có địa chỉ trách nhiệm để không còn nạn nhân nào phải chết tức tưởi.
Học sinh là nạn nhân
Ngày 20-9, em Vũ Thảo Uyên (học sinh lớp 11 Trường THPT Phước Long; tỉnh Bình Phước) cùng bạn học đi về nhà bằng xe máy. Khi đến đoạn đường ĐT759, trời mưa to, xe chết máy, Uyên xuống xe cùng bạn đẩy qua dốc, bất ngờ em hụt chân rơi vào miệng cống và bị nước cuốn đi. Nguyên nhân được xác định là do những ngày qua mưa nhiều, miệng cống nghẹt rác, người dân địa phương đã dỡ nắp cống ra cho nước thoát nhanh nhưng không cắm cọc cảnh báo.
Một tuần sau, chiều 27-9, em Nguyễn Tấn Trường (học sinh lớp 4 Trường Chu Văn An; huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) trên đường đi học thì trời mưa, đường ngập. Bị rớt dép, Trường cúi xuống nhặt thì trượt chân xuống mương và nước cuốn đi.
Theo ông Thái Mã Thành, Chủ tịch UBND xã Thiện Tân (nơi xảy ra vụ việc), đoạn đường này bị hư hỏng, nhiều doanh nghiệp đã góp tiền để đổ đá cấp phối, cho xe lu lèn ủi đồng thời xây hệ thống mương thoát nước chống ngập. Mương nước rộng khoảng 0,5 m, dốc, nối trực tiếp với hệ thống cống đổ ra suối và sông nhưng không đậy nắp, không có thanh chắn bảo vệ. Theo ông Đoàn Tấn Lực, Trưởng Ban Quản lý dự án huyện Vĩnh Cửu, đường D1 chưa được cấp phép xây dựng vì đang chờ điều chỉnh quy hoạch. Trong khi đó, lãnh đạo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Vĩnh Cửu thì nói công trình này xây dựng nhưng không xin phép đơn vị quản lý và mới làm cách đây mấy tuần.
Hệ thống ống cống nơi em Nguyễn Tấn Trường bị cuốn tử vong không được đậy nắp Ảnh: Xuân Hoàng
Cần khởi tố vụ án
Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng với cả 2 trường hợp này, cơ quan điều tra (CQĐT) cần phải khởi tố vụ án để làm rõ, kết luận vụ việc, đồng thời xác định trách nhiệm dân sự thuộc về cơ quan, tổ chức nào.
Đối với trường hợp em Vũ Thảo Uyên, căn cứ điều 100 Bộ Luật Tố tụng Hình sự, CQĐT cần phải khởi tố vụ án để điều tra, xác minh nguyên nhân tử vong; đồng thời, xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý các công trình nơi hiện trường vụ tai nạn xảy ra. Kết luận điều tra nếu có dấu hiệu tội phạm (không phải do tai nạn) thì xác định người gây án. Nếu là nguyên nhân vì tai nạn thì trách nhiệm của ai để có căn cứ bồi thường thiệt hại trách nhiệm dân sự cho người bị nạn.
Luật sư Huỳnh Công Thư, Đoàn Luật sư tỉnh Long An, cho rằng về mặt dân sự, theo điều 605 Bộ Luật Dân sự 2015, cơ quan chủ quản được giao quản lý cống phải bồi thường do có lỗi trong việc quản lý, kiểm tra, vận hành đã không phát hiện cống bị mở nắp gây hậu quả chết người. Các cá nhân tự ý mở nắp cống phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường; đồng thời có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người.
Với trường hợp của em Nguyễn Tấn Trường, luật sư Huỳnh Công Thư nhìn nhận về trách nhiệm dân sự, đơn vị thi công và chủ đầu tư phải liên đới bồi thường thiệt hại cho gia đình theo điều 605 Bộ Luật Dân sự. Bởi lẽ, công trình xây dựng không phép, không có rào chắn, không đậy nắp hố ga, thi công không có biện pháp an toàn, không có biển báo, rào chắn; vi phạm quy định tại Thông tư 50/2015 của Bộ Giao thông Vận tải dẫn đến thiệt hại là chết người.
Bên cạnh đó, về mặt hình sự, đơn vị thi công đã vi phạm khoản 2, điều 47 Luật Giao thông đường bộ về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác. Theo quy định, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi đang làm và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Do vậy, có thể phải khởi tố đơn vị thi công về tội "Vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông". Chính quyền địa phương cũng thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, nhắc nhở, đôn đốc thực hiện các biện pháp an toàn, có thể bị xử lý tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư Huỳnh Công Thư cho rằng cả 2 trường hợp trên, các cá nhân, đơn vị liên quan không thể đổ cho trời mưa lớn để thoái thác trách nhiệm. Bởi lẽ, những địa phương này đang vào mùa mưa; pháp luật buộc các cơ quan, cá nhân nêu trên phải biết và phải tiên liệu được để có biện pháp phòng ngừa thích hợp.
TP HCM từng xảy ra những bài học đau lòng
Ông Bùi Văn Trường, Trưởng Phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM, cho biết trước đây, ở TP từng xảy ra chuyện đau lòng trong mùa mưa khi nước cuốn người đi đường vào hố ga. TP HCM hiện có khoảng 156.000 hố ga thu nước. Trong đó, công ty được ủy thác quản lý theo hợp đồng khoảng 80.000 hố ga, còn lại các quận - huyện quản lý. Trước mỗi mùa mưa (khoảng tháng 4), công ty đều rà soát lại toàn bộ hố ga mất an toàn, không có lưới chắn rác để thay mới. Một số cửa xả không bảo đảm an toàn, khi ngập người dân không phân biệt được thì công ty chôn các trụ phía trước, lắp lan can để mọi người đi lại an toàn.
Vào mùa mưa, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM có một đội thường xuyên tuần tra các tuyến đường, đặc biệt là các vị trí có địa hình dốc, hay ngập. Riêng địa bàn quận Thủ Đức có độ dốc lớn, nước mưa thậm chí đẩy nắp hố ga lên nên luôn có lực lượng đi kiểm tra. Đối với các công trình duy tu, sửa chữa hoặc thay nắp hố ga mới, công ty yêu cầu lực lượng thi công phải tuân thủ việc rào chắn, cảnh báo, phân luồng giao thông.
Bình luận (0)