Theo nhiều bạn đọc nhận xét, nếu so với nhiều sai phạm “tày trời” khác, sự việc này không đáng tốn quá nhiều sự quan tâm của dư luận. Cách ứng xử và giải quyết sự việc này của bà Hiếu trong những ngày qua mới chính là nguyên nhân khiến dư luận bức xúc.
“Dù không phải bà Hiếu bẻ mà do tài xế bẻ đưa cho (như lời biện hộ của bà Hiếu) thì phó giám đốc một sở tư pháp tỉnh không thể hành xử quá “hồn nhiên” khi cầm những cành anh đào chụp hình trong vườn đào như thế. Đã vậy, sau đó còn vận dụng kiến thức pháp luật để bào chữa cho mình, giải thích vòng vo, đổ lỗi cho người khác. Dư luận chỉ cần một lời xin lỗi chân thành chứ càng chống chế thì càng nhiều người đánh giá tính trung thực của bà do hành động này diễn ra chốn đông người”- bạn đọc Nguyễn Văn Ren nhắc nhở.
Còn bạn đọc Nguyễn Thành bức xúc: “Cách xử lý của bà Hiếu phải nói là quá tệ. Không phải của mình mà vẫn cầm về. Bị dư luận chê bai thì bảo không thấy biển cấm (dù rất to), đổ cho tài xế (trong khi ở cương vị lãnh đạo, nếu tài xế làm sai thì phải ngăn chặn) và cuối cùng là phản ứng với dư luận. Chuyện nhỏ nhưng nhiêu đó thôi cũng thấy cách ứng xử quá kém, thiếu bản lĩnh. Đáng buồn là không chỉ bà Hiếu mà hiện có rất nhiều cán bộ khi bị phát hiện có hành vi sai trái thường chống chế, tìm cách đổ cho người khác. Vụ hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) vừa qua là một điển hình”.
Theo nhiều bạn đọc, “lỗ nhỏ đắm thuyền”, nếu bà Hiếu không cầu thị, không sửa sai bằng những lời nhận lỗi chân thành, trung thực thì không chỉ hình ảnh của bà Hiếu mà chính cơ quan bà đang công tác cũng bị ảnh hưởng. “Mỗi cán bộ chủ chốt cần phải hiểu để tạo dựng niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước và sự nghiêm minh của pháp luật thì từng cán bộ phải thể hiện cái tâm, cái tầm của mình thông qua những hành động, lời nói cụ thể, thậm chí rất đời thường. Cách ứng xử của mỗi cán bộ trước một sự việc, đặc biệt là trước mắt quần chúng nhân dân, hoàn toàn không phải là chuyện nhỏ”- bạn đọc Hoàng Mai nêu ý kiến.
Bình luận (0)