"Những hiến kế về rác có giá trị như vàng" là cảm nhận của nhiều người khi theo dõi các thảo luận, hiến kế trong mục Diễn đàn của Báo Người Lao Động từ ngày 13-7 tới nay. Diễn đàn "Chia rác từ 2 thành 3 loại: Bỡ ngỡ nhưng cần quen" xin tạm khép lại bằng các ý kiến dưới đây.
Chị NGUYỄN TRẦN THANH TRÚC (TP Thủ Đức, TP HCM):
Tận dụng sức mạnh internet
Rác thải từ lâu đã là vấn đề toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Nghị định 45/2022 ra đời rất kịp thời nhằm giải quyết những bất cập trong xử lý rác. Tuy vậy, để thực thi trong lúc thói quen và nhận thức người dân còn hạn chế thì có lẽ cần một quá trình với nhiều biện pháp kết hợp.
Thời đại công nghệ số phát triển chính là cơ hội lớn để các quy định, quyết sách tác động hiệu quả tới số đông. Khi mà chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể đặt đồ ăn qua một nút bấm thì việc tuyên truyền cách phân loại rác trên internet trở nên khả thi hơn bao giờ hết. Những đoạn nội dung ngắn, những clip vui nhộn lồng ghép thông tin rác thải trên những trang mạng xã hội, chèn vào những đoạn quảng cáo trước khi video trình chiếu sẽ trở thành một máy lặp hiệu quả, giúp bộ não vô thức tiếp nhận thông tin. Lâu dần, mọi người sẽ có kiến thức sơ bộ hoặc chí ít là "tri thức trong vô thức" về các loại rác thải.
Thu gom rác trong khu dân cư ở TP HCM. Ảnh: THU HỒNG
Phân loại rác là một hành động còn mới lạ với nhiều người dân, nên bước đầu đi vào thực tế khó tránh khỏi khó khăn. Tuy nhiên, chẳng có thói quen nào không có tiền đề từ những bỡ ngỡ ban đầu. Vì vậy, các ban ngành cùng người dân cần kiên trì vượt qua thời kỳ đầu xa lạ, thích nghi rồi thành thói quen...
Chị NGỌC DIỄM (quận 7, TP HCM):
Hướng tới "nếp sống xanh"
Tôi cho rằng xử lý rác thải là vấn đề luôn cần thiết trong mọi hoạt động sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của con người. Nó làm giảm nguy cơ tác động xấu tới sức khỏe, hạn chế tối đa ảnh hưởng lên môi trường. Nó cũng làm giảm lượng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác và chúng ta có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được.
Sự tự giác của mỗi người là yếu tố quyết định đến việc phân loại rác thải và bỏ chúng đúng nơi quy định. Hãy bắt đầu thực hiện phân loại rác từ việc tại mỗi hộ gia đình đều trang bị các loại túi đựng rác có các dấu hiệu nhận biết dùng để đựng những loại rác nào. Song song với đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các loại rác cũng như lợi ích của việc phân loại cho người dân. Khi nhận thức được lợi ích, người dân đương nhiên sẽ thực hiện.
Xây dựng ý thức phân loại rác thải tại nguồn còn đồng nghĩa với việc nâng nhận thức, hành động lên tầm các giá trị xây dựng cộng đồng nhằm hướng tới "nếp sống xanh", văn minh và bền vững.
Ông NGUYỄN ĐƯỚC (quận 5, TP HCM):
Lực lượng thu gom rác dân lập cần chuyên nghiệp hơn
Việc phân loại rác thải đã trở thành thói quen, nề nếp trong gia đình tôi từ nhiều năm nay, nhiều hàng xóm của tôi cũng có thói quen như vậy.
Điều băn khoăn là những bịch rác dù chúng tôi thực hiện phân loại riêng biệt nhưng khi xe rác đến thu gom thì nhân viên thường quăng chung lên thùng xe. Họ xé toạc các bịch để tìm ve chai. Chưa kể, những chiếc xe thu gom rác dân lập cũ kỹ luôn trong tình trạng rỉ nước và bốc mùi khó chịu khiến ai nấy đều lảng tránh mỗi khi đi qua.
Để việc phân loại rác thải đi vào nề nếp, trước hết chính quyền nên có các chính sách hỗ trợ người dân như cung cấp túi ni-lông, thùng rác mini có ký hiệu riêng biệt để họ nhận biết, phân loại rác thuận tiện hơn. Cùng với đó, tuyên dương, nêu gương điển hình khu dân cư, các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân... chấp hành tốt việc phân loại chất thải. Khi các biện pháp được áp dụng một thời gian đủ để tạo thành thói quen, nếu người dân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp vi phạm thì lúc này sẽ xử phạt, và đã phạt là phạt cho "sợ".
Cùng với đó, tính chuyên nghiệp đối với lực lượng, đội ngũ thu gom rác dân lập phải được coi là yếu tố quan trọng. Việc đầu tư, làm mới, thay đổi phương tiện, các loại xe thu gom rác nên là ưu tiên hàng đầu. Thời gian thu gom rác trong ngày cũng phải được tính toán sao cho hợp lý để người dân dễ dàng chấp hành các quy định.
Cách thức nước ngoài ứng xử với rác
Tại các thành phố lớn của Mỹ, rác thải thường được phân loại ngay từ các hộ gia đình theo 2 loại chính là rác thải hữu cơ và rác tái chế. Có nơi, rác được chia cụ thể thành 3 dạng gồm tái chế hỗn hợp (giấy, chai nhựa, thủy tinh, lon hộp…); chất thải hữu cơ (thực phẩm, sản phẩm tái chế...) và rác thải thông thường.
Theo bà Nguyễn Thị Ngân Hà, người sống tại Washington DC, các chung cư có sẵn hệ thống ống đổ rác và khu vực dành riêng cho rác tái chế. Các hộ gia đình và nhà hàng đặt thùng rác ở vị trí cố định. Một số rác thải loại lớn và nội thất có thể được tập trung ở khu vực riêng biệt.
Rác thải chờ xử lý tại thủ đô Bangkok - Thái Lan. Ảnh: THE BANGKOK POST
Về quy trình xử lý rác thải, nhìn chung có sự khác biệt ít nhiều tùy vào loại rác và khu vực nhưng thông thường bao gồm 3 bước cơ bản là thu gom rác thải, xử lý, tái chế. Rác thải của các hộ gia đình hoặc doanh nghiệp được dịch vụ công cộng của địa phương hoặc công ty phụ trách thu gom định kỳ rồi tập kết tại khu xử lý rác thải. Trong quy trình xử lý, vật liệu tái chế sẽ được lọc ra, rửa sạch và chuyển đến nhà máy tái chế. Sau đó, những sản phẩm tái chế được ra đời tại các nhà máy đặc biệt này.
Xử lý và tái chế rác thải hợp lý cũng góp phần hỗ trợ kinh tế nội địa bằng cách tăng cường nguồn nguyên liệu tái chế cũng như tiết kiệm năng lượng. Đối với cộng đồng, việc tái chế rác thải còn giúp tạo thêm việc làm. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống xử lý và tái chế rác thải đồng bộ, phân loại từ nguồn kèm những hình thức nhắc nhở (thậm chí phạt) sẽ góp phần hình thành nếp sinh hoạt và thói quen cho người dân.
Từ tháng 11-2021, cư dân Phnom Penh (Campuchia) phải phân loại rác thải theo các hướng dẫn mới. Rác thải được chia thành rác thải hữu cơ hoặc nhà bếp được đóng gói trong túi đen; rác thải nguy hại được đóng gói trong túi trắng; các loại rác thải khác như mảnh thủy tinh, vật sắc nhọn... được để riêng và thu gom vào chủ nhật hằng tuần. Hội đồng TP Phnom Penh cảnh báo sẽ không thu gom rác thải chưa được đóng gói đúng cách và phạt tiền, thậm chí kiện những người không giữ rác thải nguy hại theo cách an toàn. Cư dân tại những quận trung tâm của Phnom Penh cũng được yêu cầu đổ rác thải theo giờ quy định. Bà Ham Rath, làm việc cho Tổ chức Tái chế và Giáo dục Môi trường (COMPOSTED), nói công đoạn tái chế rác ở đây vẫn yếu kém và phần lớn do khu vực phi chính thức thúc đẩy. Đó là lý do tại sao việc phân loại rác thải cần được chú trọng để khuyến khích tái chế vì nó là chìa khóa để giảm chi phí.
Còn tại Thái Lan, Bộ Môi trường Thái Lan và Cơ quan Quản lý Đô thị Bangkok (BMA) hồi tháng 2-2022 cho biết việc Bangkok thải ra hơn 8.000 tấn rác thải đô thị mỗi ngày đã thách thức cơ sở hạ tầng quản lý rác thải. Bà Sujitra Vassanadumrongdee, Viện Nghiên cứu Môi trường thuộc Trường ĐH Chulalongkorn, cho rằng BMA cần đầu tư thêm thiết bị và hệ thống quản lý để giúp người dân phân loại rác thải trước khi nhà chức trách địa phương thu gom.
Với Singapore, chương trình Tái chế quốc gia được triển khai vào tháng 4-2001 quy định các loại rác thải như giấy, nhựa, thủy tinh và kim loại tái chế được đóng gói vào cùng một thùng tái chế màu xanh lam để thu gom và chuyển đến cơ sở thu hồi vật liệu để phân loại. Sau đó, chúng được chuyển đến các cơ sở tái chế... Xuân Huy - Phạm Nghĩa
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-7
Bình luận (0)