TP HCM đã phê duyệt đề án "Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025", trong đề án cũng đã trình bày các giải pháp để xây dựng thành phố thông minh.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng và thách thức
Sự nổi lên của các thành phố thông minh vào đầu thế kỷ XXI là kết quả của sự phát triển công nghệ tạo ra và nhu cầu của chính bản thân các thành phố trong việc tìm cách thức giải quyết những vấn đề liên quan đến tính hiệu quả và bền vững. Các nghiên cứu đã chỉ ra có 8 yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển thành phố thông minh.
Theo đó, ngoài yếu tố về sự phát triển của công nghệ thì năng lực kinh tế và tài chính, khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và sự tham gia của người dân cũng quan trọng trong việc xây dựng thành phố thông minh. Đồng thời, sự tham gia của khu vực tư nhân, với lợi thế về công nghệ và nguồn lực, trong việc tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy sự phát triển thành phố thông minh ở các nước đang phát triển.
Việc xây dựng thành phố thông minh ở các nước đang phát triển cũng gặp những thách thức. Có 10 rào cản đối với việc phát triển thành phố thông minh ở các quốc gia này: hạn chế về ngân sách và tài chính; thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản; thiếu cơ sở hạ tầng liên quan đến công nghệ; sự phân mảnh trong quản lý; thiếu các khuôn khổ quản trị và pháp lý; thiếu nhân lực có kỹ năng; thiếu hòa nhập của các cư dân; các vấn đề về môi trường; thiếu sự tham gia của người dân và thiếu hiểu biết về công nghệ, kiến thức của người dân.
TP HCM đang nỗ lực để xây dựng đô thị thông minhẢnh: Hoàng Triều
Đa dạng hóa nguồn tài chính
Dựa trên các yếu tố ảnh hưởng và các rào cản trong xây dựng thành phố thông minh đã trình bày ở trên, trong giai đoạn tới, TP HCM cần tập trung vào các vấn đề sau khi xây dựng thành phố thông minh.
Đó là, đẩy mạnh đáp ứng các nhu cầu cơ bản về cơ sở hạ tầng cho người dân. Chẳng hạn cơ sở hạ tầng giao thông, được xác định là điểm nghẽn của TP HCM. Do đó, cần ưu tiên đáp ứng các yêu cầu cơ sở hạ tầng cơ bản của người dân như nước, năng lượng, sức khỏe cộng đồng, vệ sinh và giao thông trước khi bắt tay vào các mục tiêu phát triển tham vọng khác. Mặc dù các vấn đề này có thể giải quyết bằng công nghệ nhưng cần lưu ý bảo đảm sự phân phối công bằng các nhu cầu thiết yếu này cho tất cả bộ phận dân cư.
Tăng nguồn thu và đa dạng hóa các nguồn tài chính để phát triển thành phố thông minh. Mặc dù trong đề án xây dựng đô thị thông minh, TP HCM đã xác định nghiên cứu phát hành các loại trái phiếu phổ biến để huy động vốn đầu tư xây dựng thành phố thông minh nhưng ngoài các nguồn tài chính truyền thống và các nguồn tài trợ dựa trên đất đai, TP HCM nên nghiên cứu các giải pháp và cơ chế tài chính có tính sáng tạo cao để huy động vốn. Chẳng hạn như chính sách phát triển metro và bất động sản của Thâm Quyến (Trung Quốc) trong việc tăng nguồn thu cho chính quyền địa phương thông qua các cơ chế cùng có lợi giữa chính quyền địa phương, các công ty tàu điện ngầm và các nhà phát triển bất động sản tư nhân là một ví dụ.
TP HCM cần đề xuất và phối hợp với trung ương để xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc quản trị thành phố thông minh trên toàn quốc cũng như các quy định để quản lý các rủi ro công nghệ.
Phát triển vốn nhân lực và thúc đẩy tính toàn diện của công nghệ số (tiếp cận công nghệ số của người dân). Điều này rất quan trọng, do TP HCM có tỉ lệ sinh giảm và ở mức thấp so với cả nước, nên cần tận dụng lợi tức dân số bằng cách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, do quy mô của khu vực phi chính thức ở Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng còn cao, nên cần bảo đảm nhóm dân cư dễ bị tổn thương không bị bỏ rơi trong quá trình phát triển TP thông minh (tính toàn diện của công nghệ số).
Trong quá trình xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh, cần tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp và thúc đẩy quan hệ đối tác công tư. Tạo ra một môi trường kinh doanh hỗ trợ và cởi mở cho các công ty khởi nghiệp, thúc đẩy các thí điểm và thử nghiệm công nghệ mới như trong lĩnh vực tài chính… cũng sẽ gắn kết với đề án phát triển trung tâm tài chính của TP HCM.
Đồng thời, tạo điều kiện cho quan hệ đối tác công tư minh bạch và công bằng trong phát triển công nghệ là một biện pháp có thể được thực hiện trong việc áp dụng công nghệ mới trong quá trình hiện thực hóa tầm nhìn công nghệ của thành phố thông minh.
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 tập trung vào 3 chủ đề chính: Đô thị thông minh, Khởi nghiệp - Thương hiệu của TP HCM và Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM.
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà) hoặc gửi trực tiếp tòa soạn Báo Người Lao Động tại địa chỉ 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
Giải thưởng cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Đơn vị đồng hành
Bình luận (0)