Ngày 4-1, trên vỉa hè đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM xuất hiện tấm nệm, vải bọc và nhiều miếng xốp nằm cạnh gốc cây. Thấy chúng tôi chụp hình, ông Nguyễn Văn Sáu - người dân sống gần đó - bức xúc kể: "Sáng sớm đi tập thể dục, tôi đã thấy tấm nệm này, chắc ai đó lén lút bỏ lại tối hôm trước. Thật là vô ý thức!".
Xuất hiện khắp nơi
Ông Sáu cho biết mấy hôm trước, vợ chồng ông bỏ một ghế sofa cũ, ông đã nhờ người thu gom rác dân lập đem đi giúp, trả phí 200.000 đồng. "Chịu khó tốn thêm chút chi phí nhưng không làm ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường" - ông Sáu nói.
Đến đường Cộng Hòa, phường 13, quận Tân Bình, TP HCM, chúng tôi thấy một phụ nữ bán hàng rong đang lui cui gập mấy miếng tôn nhựa, gần đó là chiếc nệm nằm chỏng chơ. Người phụ nữ cho biết đi ngang qua khu này, thấy đống rác to trên vỉa hè có tấm tôn nhựa nên chị đem về che chắn chuồng gà.
Ghi nhận sáng 5-1, trên đường Hoàng Sa, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, sát chân cầu số 6, nơi đặt thùng rác công cộng xuất hiện một đống rác to gồm nệm cũ và một bao quần áo cũ…
Thường xuyên phải đem rác cồng kềnh đi đổ "không công", chị Hòa - công nhân vệ sinh ở quận Tân Bình - ngán ngẩm nói: "Công nhân vệ sinh chúng tôi chỉ quét rác trên đường, thường tập kết xe đẩy trên một số đoạn vỉa hè trống. Hôm nào xui, đến lấy xe là thấy cả tấm nệm hoặc bao đồ cũ ném vào...".
Đoạn xa lộ Hà Nội gần chân cầu Sài Gòn, hướng từ TP Thủ Đức về quận 1, cũng là nơi nhiều người vứt bỏ ghế sofa, bàn ghế cũ, ván gỗ, tấm kính nứt… Trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, những ngày cuối năm, công nhân đội vớt rác kênh thường xuyên vớt được nệm cũ, ghế sofa… trôi lềnh bềnh. "Trung bình mỗi tấm nệm ngấm nước nặng khoảng 200 kg, mỗi khi đưa lên bờ rất vất vả" - anh Trần Văn Tài (công nhân vớt rác kênh) thở dài.
Rác cồng kềnh trên đường Phan Văn Hớn, quận 12, TP HCM
Liên hệ dịch vụ công ích quận, huyện
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, rác cồng kềnh, rác thải xây dựng chiếm khoảng 20% rác thải sinh hoạt; đồng nghĩa mỗi ngày TP HCM thải ra 10.000 tấn rác thì có khoảng 2.000 tấn rác cồng kềnh.
Từ tháng 9-2020, UBND TP HCM đã giao cho các công ty dịch vụ công ích quận, huyện xây dựng đề án và tổ chức cung ứng dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh; xây dựng đơn giá và xử lý sau khi thu gom. Để người dân tiếp cận được dịch vụ dễ dàng, thuận lợi, các đơn vị liên quan phải có trách nhiệm công bố cho người dân biết số điện thoại liên hệ và cách thức thu gom.
Theo đó, rác cồng kềnh được xử lý như rác thải sinh hoạt, người dân phải trả phí dịch vụ tháo rã, thu gom từ nơi phát sinh vận chuyển đến nơi tiếp nhận theo giá tự thỏa thuận với các đơn vị cung ứng dịch vụ.
Là một trong số ít địa phương chủ động trong việc hướng dẫn, tạo thói quen cho người dân xử lý rác cồng kềnh, ông Phạm Bảo Toàn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Phú Nhuận, cho biết năm qua, địa phương đã tổ chức chương trình "Mang rác ra phường" nhằm giúp người dân có ý thức trong việc bỏ rác cồng kềnh đúng nơi quy định.
Qua đó, 15 điểm tiếp nhận rác cồng kềnh tại 13 phường được UBND các phường thông báo rộng rãi đến người dân, tiếp nhận rác vào ngày thứ bảy tuần thứ 2 mỗi tháng, hoàn toàn miễn phí. Đợt cuối cùng tiếp nhận rác miễn phí năm nay là ngày 14-1-2023. Để nắm 15 điểm này, người dân có thể tra cứu trên internet.
Theo ông Toàn, mô hình này mang lại hiệu quả, giúp người dân có địa điểm thuận lợi bỏ rác, không phải đem đi đổ trộm hoặc thuê người đi xe ba gác muốn đổ ở đâu thì đổ. "Năm đầu tiên, việc thu gom sẽ miễn phí, những năm tiếp theo sẽ trả phí. Hiện nay Công ty Dịch vụ công ích quận Phú Nhuận xây dựng đơn giá thu gom rác cồng kềnh và dự kiến phối hợp với một số đơn vị thu mua và tái chế" - ông Toàn nói thêm.
Tương tự, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hóc Môn, cho biết từ năm 2020, Công ty Dịch vụ công ích huyện đã xây dựng đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác cồng kềnh cho người dân trên địa bàn. Cụ thể, sẽ thu gom nhiều loại rác từ bàn ghế, tủ giường, nệm, đồ thờ, kính, cây xanh… với nhiều mức giá, từ 50.000 - 250.000 đồng/cái, tùy trọng lượng và kích cỡ. Người dân có nhu cầu liên hệ qua số điện thoại 028 3712 8138.
Là đơn vị nhà nước có thâm niên xử lý rác cồng kềnh, ông Cao Văn Tuấn, Trưởng Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP HCM (Citenco), thông tin không chỉ rác cồng kềnh mà rác xây dựng cũng phát sinh nhiều vào dịp cuối năm. Citenco thu gom, vận chuyển, xử lý và phân loại rác cồng kềnh thành các sản phẩm tái chế như gỗ, kim loại, da, cao su… nhằm giảm tối đa việc phát thải ra môi trường và tận dụng triệt để giá trị nguồn tài nguyên từ chất thải, phát huy hiệu quả nền kinh tế tuần hoàn.
Cần bỏ rác cồng kềnh, gọi (028) 3820 8666
Theo ông Cao Văn Tuấn, với hơn 200 phương tiện hiện đại cùng đội ngũ công nhân chuyên nghiệp, 2 trạm trung chuyển chất thải rắn xây dựng, chất thải cồng kềnh và 2 trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, Citenco sẵn sàng tiếp nhận chất thải rắn cồng kềnh từ chủ nguồn thải là hộ dân, công ty, cao ốc, công trình... Người dân có nhu cầu, liên hệ qua số điện thoại: (028) 3820 8666.
Bình luận (0)