Thực tế, khó ai có thể làm ngơ trước một người biến dạng thân thể: miệng méo xệch, tay chân nổi những nốt sần sùi, run lẩy bẩy đang cầu xin vài đồng bạc lẻ. Ngoài việc giúp họ vượt qua khó khăn còn đem đến người cho niềm hạnh phúc nho nhỏ vì đã giúp trường hợp khốn khó. Đáng nói là mặt trái của hành động nhân văn đó là tạo cơ hội cho những kẻ lười lao động, lợi dụng lòng nhân ái để hưởng lợi, thậm chí tổ chức chăn dắt để trục lợi một cách vô nhân đạo, làm xấu bộ mặt xã hội và xói mòn niềm tin vào con người.
Giải pháp giải quyết căn cơ tình trạng này chính là sự tích cực của chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng và sự chung sức chung lòng của toàn xã hội.
Trước hết, không thể nói là chính quyền xã, phường không nắm được các đối tượng ăn xin. Địa phương là nơi đầu tiên phát hiện, vì vậy qua công tác rà soát, quản lý địa bàn của mình, phải có biện pháp hoặc đề xuất giải pháp thích hợp để xử lý.
Cần phát huy cái được và quyết tâm khắc phục những cái chưa được trong chủ trương, chính sách về giải quyết tình trạng ăn xin; kịp thời chấn chỉnh, không để xảy ra những tiêu cực trong các trung tâm bảo trợ xã hội; tổ chức các lực lượng chuyên tập trung những người ăn xin về một nơi để phân loại, từ đó có hướng giúp đỡ từng người thật cụ thể.
Về phía người dân, đừng cho tiền người ăn xin một cách dễ dãi, tùy tiện bởi nếu cứ thoải mái vung tiền - dù là những đồng tiền lẻ - thì sẽ không bao giờ chấm dứt được tình trạng chăn dắt, trục lợi người già, trẻ em, người khuyết tật.
Giải quyết tình trạng ăn xin không dễ nhưng không thể không làm.
Bình luận (0)