Đau buồn và phẫn nộ là tâm trạng đan xen trong tôi mỗi khi một vụ bạo hành trẻ em được phơi bày trên mạng xã hội và truyền thông đưa tin. Trong những năm qua, nước ta chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng số vụ bạo hành ngày một nhiều, dày đặc trên mặt báo.
Trẻ bị bạo hành với mức độ cực kỳ nguy hiểm, rõ nét nhất là vụ cha dượng đánh chết con riêng ở Bình Phước, vụ cô giáo im lặng suốt nhiều tháng liền ở TP HCM, cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng…
Truy đến cùng trách nhiệm
Mặc dù các chế độ phúc lợi, an sinh xã hội trong những năm qua có cải thiện nhưng chúng ta chưa đem lại cho trẻ em một cuộc sống tốt đẹp. Ở TP, cha mẹ phải bươn chải làm việc, tin tưởng gửi con đến các cơ sở mầm non tư thục, những tưởng trẻ an toàn nhưng thực tế không như mong đợi.
Trẻ bị bạo hành ở cơ sở mầm non Mầm Xanh, quận 12, TP HCM Ảnh: PHẠM DŨNG
Vấn đề đặt ra là những vụ trẻ bị bạo hành ở trường mầm non thì các nhà quản lý giáo dục phải trả lời cho được câu hỏi tại sao? Rồi những người làm trong ngành giáo dục quận, huyện, địa phương đã thường xuyên đi kiểm tra những cơ sở mầm non hay chưa? Trẻ có biểu hiện khác thường, cha mẹ có quan tâm, hỏi han không? Những người xung quanh nghe trẻ khóc, sao không tìm hiểu, nhờ cơ quan chức năng can thiệp?... Nói chung, cả gia đình, nhà trường lẫn cộng đồng đều chưa ý thức được những nguy cơ trẻ bị bạo hành từ trường học đến tận giường ngủ.
Khi một vụ án bạo hành xảy ra, ngoài chuyện thương xót, chúng ta phải truy đến cùng trách nhiệm của những người liên quan. Có như vậy người dân mới ý thức trong việc bảo vệ trẻ em tránh khỏi những nguy cơ bị bạo hành.
Cả xã hội chung tay
Trẻ em là đối tượng yếu thế nên rất cần nhiều cơ quan, tổ chức đứng ra bảo vệ. Từ khi sinh ra, trẻ cần phải có cơ quan tư pháp làm các giấy tờ chứng sinh, khi ốm đau thì cần bác sĩ, đến tuổi đi học thì cần thầy cô, cha mẹ dạy dỗ, bảo ban… Để trẻ được phát triển toàn diện, khỏe mạnh, cần sự chung tay của cả xã hội.
Tôi thấy rằng công tác quản lý về trẻ em ngày càng xa dần, trong khi các vụ bạo hành ngày càng dày đặc, đây là một bất cập. Mặc dù mỗi xã, phường đều phân công cán bộ lao động - xã hội phụ trách công tác trẻ em nhưng những cán bộ này công việc rất nhiều nên trẻ em chỉ là đối tượng thứ yếu.
Nhiều vụ bạo hành đã được xử lý nhưng rất nhiều trường hợp nếu không có sự can thiệp của các tổ chức, báo chí, thậm chí sự chỉ đạo của nhiều lãnh đạo thì các cơ quan thực thi pháp luật cũng chưa quan tâm, vụ nào khó thì cho qua. Đó là chưa nói ít vụ bạo hành được phát hiện bởi các cơ quan quản lý nhà nước, nghĩa là những nơi này chưa quan tâm tới giải pháp ngăn chặn việc trẻ bị bạo hành. Bộ máy nhà nước cồng kềnh nhưng cán bộ chuyên trách thì làm không hết trách nhiệm. Thay vì chỉ nói khơi khơi, nói khắp nơi, nghe rất hay nhưng cộng đồng không thể tham gia giám sát được thì nên có quy định cụ thể về việc bảo vệ trẻ cũng như công tác ngăn ngừa trẻ bị bạo hành. Đặc biệt, công tác bảo vệ trẻ em cần quy về một đầu mối chứ nguồn lực nằm ở nhiều bộ, ngành khác nhau e rằng rất khó.
Lắng nghe, chia sẻ
Bà Trương Đào Cẩm Nhung - nhân viên Tổ chức Room to Read Việt Nam phụ trách Chương trình Hỗ trợ, Giáo dục cho nữ sinh 2 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long - cho biết rất nhiều trường hợp nữ sinh không sống cùng cha mẹ mà cùng người thân, ông bà. Có nhiều lý do nhưng phổ biến nhất là cha mẹ đi làm ăn xa, ly hôn. Khi vắng mặt cha mẹ, nhiều nữ sinh bị người thân nói không tốt về gia đình mình khiến tuyệt vọng và đau đớn về mặt tinh thần.
Ngoài ra, rất nhiều trường hợp, khi gia đình có những sự việc không tốt, trẻ thường bị hàng xóm dị nghị nên cảm thấy rất khó chịu, mong manh.
Khi trẻ rơi vào những trường hợp này, chúng tôi luôn lắng nghe trẻ, giúp trẻ vượt qua khủng hoảng. Khi trẻ đã tìm lại niềm tin, nhận ra những giá trị của bản thân thì sẽ sống tốt hơn và không có hành vi bạo lực đối với bạn bè trang lứa. Lắng nghe, chia sẻ là biện pháp tốt nhất giúp trẻ bị bạo hành tinh thần có một hướng đi đúng đắn trong tương lai.
Bình luận (0)