Theo Trung tâm Chống ngập TP, từ đầu năm đến nay, TP xảy ra 161 trận mưa, có 28 trận mưa gây ngập 38 tuyến đường, trong đó trận mưa lớn nhất có vũ lượng 206,2 mm vào ngày 12-10. Đơn vị đã vận hành 79 hạng mục công trình cấp bách sử dụng nguồn vốn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt và đã hoàn thành 79 dự án. Trong năm 2017, Trung tâm Chống ngập TP đăng ký giải quyết 13 điểm ngập. Trong 9 tháng đầu năm, đơn vị này đã giải ngân 499 tỉ đồng (56%) ngân sách tập trung, 423 tỉ đồng (48,5%) vốn duy tu và 10,5 tỉ đồng (45%) vốn sự nghiệp. Dự kiến trong năm 2017 sẽ giải ngân hết số vốn được giao.
Giải trình về việc giải ngân chậm, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Chống ngập TP, cho biết do phải thi công vào mùa mưa và vướng một số công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm như điện lực, cấp nước, viễn thông. Bên cạnh đó, một số dự án vướng mặt bằng (chỉ 1 hộ) chưa giải quyết được.
Đối với điểm ngập đường Đỗ Xuân Hợp dù đã tốn hàng trăm tỉ xây dựng hệ thống thoát nước mới vẫn tái ngập, ông Công lý giải do dự án giai đoạn 1 ban đầu chỉ giải quyết cho lưu vực 60 ha. Ở giai đoạn 2 sẽ xây dựng thêm một đường cống song song để chống ngập cho lưu vực 160 ha, dự án này do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, Sở GTVT TP đã đề nghị đấu nối hệ thống thoát nước của các tuyến đường ngoài lưu vực vào đường Đỗ Xuân Hợp và được UBND TP đồng ý. "Do quá tải nên đường lại tiếp tục bị ngập. Hiện trung tâm đang triển khai một số giải pháp chia hệ thống thoát nước ra một số hướng khác để giảm tải" - ông Công cho biết.
Về hiệu quả của hồ điều tiết ngầm trước Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Thủ Đức (đường Võ Văn Ngân) và máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, ông Công cho biết hồ điều tiết ngầm theo công nghệ Nhật Bản đã có 10-15 năm trước và ở Nhật Bản áp dụng để chống ngập cho từng ô phố với dung lượng khoảng 400-500 m3. Trung tâm Chống ngập TP chọn thí điểm ở đường Võ Văn Ngân do đường này có độ dốc lớn và chảy tràn liên tục. "Chọn xây hồ điều tiết ở đây xem nước có chảy vào hay không chứ không phải chống ngập cho tuyến đường này. Còn nếu muốn chống ngập thì phải dùng 3-4 hồ điều tiết có dung tích gấp 20 lần hồ hiện hữu" - ông Công nhận định. Về máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, ông Công nói phải thận trọng khi đánh giá hiệu quả, cần phải trải qua 4-5 lần thử nghiệm với các điều kiện khắc nghiệt hơn mới có thể đưa ra nhận định.
Vấn đề xử lý bùn thải, theo ông Công, hiện có Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh xử lý, tuy nhiên, cần phân loại bùn nguy hiểm để xử lý, ví dụ bùn có kim loại nặng, ô nhiễm vi sinh… Việc này đã được UBND TP giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường phân tích, sau đó sẽ xây dựng định mức đơn giá theo công nghệ của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, từ đó quyết định có đầu tư các nhà máy xử lý bùn thải hay không. Theo đánh giá của ông Công, khoảng 1 năm nữa, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh sẽ không đủ chỗ chứa bùn, cần phải tìm các nhà máy xử lý bùn khác để lưu bùn thải. Hiện Trung tâm Chống ngập TP đã tìm một số doanh nghiệp xử lý bùn thải ở Bình Dương nhưng vì xa dẫn đến chi phí tăng nên đơn vị này đang cân nhắc.
Bình luận (0)