Trường ĐH Hoa Sen (TP HCM) vừa tổ chức buổi sinh hoạt học thuật Gender talk #3 về chủ đề "Lá chắn thép cho trẻ em bị xâm hại tình dục" và "Can thiệp xâm hại tình dục trẻ em từ quan điểm tâm lý".
Bàn về vấn đề đau lòng nhưng rất thời sự này, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM) nêu vấn đề từ vụ bé gái bị sàm sỡ ở chung cư Galaxy 9 (quận 4, TP HCM) thật đáng suy ngẫm. Để cháu bé một mình vào thang máy lúc 21 giờ, phụ huynh cũng có một phần trách nhiệm. Liên quan đến vụ việc này, chiều 10-4, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP đã tiếp nhận 74 lá đơn từ Hà Nội gửi vào, khẩn khiết xin hội theo sát và thay người dân lên tiếng về vụ này.
LS Ngọc Nữ khẳng định: "Nhìn vào clip này mọi người đều thấy không đơn giản là ôm nựng bé. Tất cả chúng ta đều thấy rõ ràng, cháu bé sợ hãi chạy ra. Chúng tôi nhận thấy hành vi này đủ yếu tố để khởi tố và chúng tôi đã đề nghị khởi tố".
Chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân bị xâm hại, bà Doãn Thị Ngọc (giảng viên Khoa Khoa học Xã hội, Trường ĐH Hoa Sen) xót xa kể từng giúp đỡ bé gái 9 tuổi bị chính anh trai hiếp dâm. Bé gái nói với mẹ nhưng mẹ cho rằng anh trai chỉ đùa giỡn, bé làm quá lên. Chưa hết sợ hãi, khi đi bán vé số bé tiếp tục bị các đối tượng nam cho xem video sex. Rồi người mẹ lúc đi bán vé số cũng suýt bị hiếp dâm. Thế nhưng, khi được các giáo viên gợi ý tham vấn, hỗ trợ điều trị tâm lý, người mẹ này vẫn từ chối cho cả hai mẹ con vì nghĩ rằng không cần thiết….
Trước thực trạng luật xử phạt các tội xâm hại trẻ em đã có nhưng tội ác vẫn cứ diễn ra và ngày càng phức tạp, luật sư Ngọc Nữ thông tin vừa qua hội đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện biện pháp mới là thiến hóa học để tạo sự răn đe. Ngoài ra, theo bà Ngọc Nữ, hiện nay vô cùng khó khăn trong việc thu thập chứng cứ tội dâm ô vì khi trẻ bị xâm hại, cha mẹ không đưa các em đi giám định ngay mà chờ đến vài ngày, lúc này trên người các em mất dấu tích, không có người làm chứng, sẽ khó khăn cho việc khởi tố, lôi kẻ phạm tội ra ngoài ánh sáng.
TS Lê Minh Thuận (GV ngành Tâm lý Khoa Khoa học Xã hội, Trường ĐH Hoa Sen) cho rằng việc trao đổi giữa cha mẹ với con cái là rất quan trọng, giúp trẻ vững tin để tâm sự. Ông Thuận khuyến cáo để phòng chống nạn xâm hại tình dục trẻ em, gia đình phải quan tâm, tương tác với con cái, đồng thời nhà trường cần xem xét, đưa giáo dục giới tính vào trong môi trường giảng dạy, phổ cập kiến thức cho các em.
TS Thuận và LS Ngọc Nữ đều nhắc lại việc đã nhiều lần kiến nghị đưa những bài học giáo dục giới tính vào giảng dạy nhưng không được các cơ quan thẩm quyền đồng ý vì sợ sẽ "vẽ đường cho hươu chạy". "Nhưng đã đến lúc phải vẽ đường cho hươu chạy để không bị cọp vồ"- TS Thuận nhấn mạnh. Theo TS Thuận, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường, địa phương và của toàn xã hội.
Bình luận (0)