Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa giao Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo xử lý kiến nghị của đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM) về lô hàng sữa công thức cho trẻ em được một số tổ chức của Úc tặng.
Trước đó, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 9-11, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu nêu sự việc một lô hàng với 22.000 lon sữa do người dân ở Úc hỗ trợ trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid-19 tại TP HCM về nước đã 1 tháng nhưng không lấy ra được do khó khăn về thủ tục.
Theo bà Tô Thị Bích Châu, cách làm của Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế là "đúng quy trình nhưng không đúng với tinh thần chống dịch như chống giặc". Bà cũng đặt câu hỏi: "Lỗi do ai?" và mong Chính phủ tạo ra một cơ chế hành chính thực sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của bộ, ngành và từng cán bộ trong việc tham mưu kịp thời cho Chính phủ những việc cần thiết.
Là một người dân sinh sống ở TP HCM, tôi vô cùng cảm kích trước phát biểu có tâm, có tầm, có trách nhiệm của đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu.
Câu hỏi: "Lô hàng cứu trợ về đến TP HCM nhưng 1 tháng chưa lấy ra được là lỗi do ai?" là một nỗi băn khoăn lớn.
Chúng ta đang thực hiện những cơ chế để bảo vệ sự đột phá nhưng không phải cơ quan, đơn vị nào cũng ý thức được điều đó. Khi TP HCM gửi công văn, Chính phủ giao cho Cục An toàn Thực phẩm trả lời. Vậy vì sao cục không tham mưu luôn một văn bản nêu ý kiến của mình và tham mưu cho Chính phủ một văn bản trả lời "được nhập"?
Bác Hồ đã dạy: Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Hàng triệu trẻ em đang cần sữa; chức năng, nhiệm vụ của Cục An toàn Thực phẩm hoàn toàn có thể xử lý được, hoàn toàn có thể tham mưu để tìm giải pháp tháo gỡ, chung tay giải quyết nhanh chóng. Tiếc là đơn vị này còn cứng nhắc, rập khuôn, không đúng với tinh thần "chống dịch như chống giặc" và nói thẳng là chưa hết lòng, hết trách nhiệm với dân.
Bình luận (0)