Vừa qua, có không ít vụ việc liên quan đến hành vi ngược đãi cha mẹ khiến dư luận bức xúc, giận dữ. Mới nhất là vụ một phụ nữ ở xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đánh, chửi mẹ ruột (87 tuổi); hai vợ chồng ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang ngược đãi mẹ già.
Con cháu ngược đãi ông bà, cha mẹ là điều phải bị lên án và xem xét xử lý hình sự. Nhưng điều băn khoăn là nếu không có hình ảnh camera ghi lại sự việc thì thế nào? Đằng sau chuyện phụng dưỡng ông bà, cha mẹ trong mỗi gia đình, chúng ta phải làm gì để giúp đỡ những cụ đang bị ngược đãi hoặc phải lang bạt mưu sinh ở cái tuổi gần đất xa trời?
Việt Nam vừa mới bước vào giai đoạn dân số vàng đã phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số, hiện đang là một trong 10 quốc gia có tỉ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Chúng ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn 6 năm so với dự báo và chỉ mất khoảng 20 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn cấu trúc dân số già. Tỉ lệ dân số cao tuổi càng lớn, gánh nặng bệnh tật và tử vong - nhất là với các bệnh không lây nhiễm - càng cao, đặt ra những vấn đề cần phải giải quyết để bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm cuối năm 2018, nước ta có hơn 11,3 triệu người cao tuổi, bằng 11,95% tổng dân số, trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên, chiếm 17,5% tổng số người cao tuổi. Dự báo đến năm 2030, tỉ lệ người cao tuổi ở nước ta sẽ chiếm khoảng 12,9% dân số và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 23%. Đa số người cao tuổi sống ở nông thôn, không có lương hưu, không có tích lũy, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Với truyền thống bao đời của người Việt, con cháu phải có bổn phận phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, đời sống xã hội đã thay đổi, gia đình hạt nhân phát triển dần thay thế gia đình tam - tứ đại đồng đường. Nhiều người trẻ sẵn sàng chu cấp tiền bạc nhưng không muốn sống chung với ông bà, cha mẹ. Giữa các thế hệ không tìm được tiếng nói, giá trị, văn hóa chung dẫn đến thái độ ứng xử như lạnh nhạt và những xung đột khó hòa giải.
Trong những năm qua, bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và phát triển. Đến nay, đã có nhiều chính sách, chương trình dành cho người cao tuổi theo các nhóm đối tượng khác nhau, tập trung nhất là các nhóm chính sách về BHXH, BHYT và trợ cấp xã hội.
Tuy nhiên, hệ thống an sinh xã hội của chúng ta chưa thể bảo đảm được mức sống tạm ổn cho một bộ phận người già sau khi họ đã trải qua một đời lao động, cống hiến. Những người già có lương hưu ở thị thành sống cũng có phần khó khăn. Chúng ta cũng nhận thức chưa đầy đủ về việc bảo đảm quyền và khả năng tiếp cận, thụ hưởng chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, an toàn và môi trường thân thiện với người cao tuổi. Mạng lưới y tế cho người cao tuổi còn yếu, nhân viên y tế phục vụ tại cộng đồng còn thiếu; kỹ năng phát hiện, điều trị và chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế.
Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, đặt ra yêu cầu phải xây dựng một xã hội thích ứng với giai đoạn già hóa dân số của đất nước. Thiết nghĩ, với quy mô dân số đông, tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh, ngay bây giờ cần bổ sung những chính sách trợ giúp xã hội phù hợp đối với người cao tuổi như nâng mức trợ cấp hằng tháng, hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội còn 75 tuổi, khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân xây dựng trung tâm chăm sóc người cao tuổi đạt chất lượng…
Chung Thanh Huy
Bình luận (0)