Ngày 16-9-2021, 1 ngày sau khi thông tin về hơn 1.500 trẻ đang tuổi ăn, tuổi học tại TP HCM chịu cảnh mất cha, mẹ vì dịch bệnh Covid-19 từ báo cáo của Sở Giáo dục – Đào tạo TP HCM được công bố, Báo Người Lao Động tiên phong "bắc cầu nhân ái" kêu gọi cộng đồng chung tay nhằm kịp thời giúp đỡ trẻ mồ côi qua chương trình “Tình thương cho em”.
Mỗi hoàn cảnh mà chương trình "Tình thương cho em" đến thăm là một câu chuyện đầy xót xa về những đứa trẻ kém may mắn, những nhân chứng bất đắc dĩ trong những tháng ngày đại dịch không thể quên.
Những cuộc gặp gỡ đều không quá dài nhưng đủ để chương trình được thay mặt bạn đọc, doanh nghiệp, nhà hảo tâm gửi đến các em những lời động viên, chia sẻ chân thành. Hy vọng các em sẽ cảm nhận được yêu thương vẫn luôn bên cạnh dù cho cha, mẹ không còn nữa.
Thắp nén tâm hương lên bàn thờ người đã khuất, không ít lần đoàn chúng tôi rơi nước mắt. Có em nhỏ mất cha, có em mất mẹ, có em mất cùng lúc ông, bà, cha, mẹ do dịch bệnh.
Có em ở phường Linh Trung, TP Thủ Đức vừa chào đời, mẹ đã không may qua đời vì suy hô hấp do Covid-19, không thể cứu chữa. Trong căn nhà phòng trọ xập xệ, tranh tối tranh sáng, người cha vụng về dạy các con (10 tuổi và 13 tuổi) ẵm bồng, dỗ dành đứa em còn đỏ hỏn, để khi anh quay lại với công việc tài xế 12 giờ/ngày, các con có thể tự chăm sóc lẫn nhau.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động (bìa phải) ân cần thăm hỏi 2 anh em mồ côi mẹ vì Covid-19 tại quận 3, TP HCM - Ảnh: Tấn Thạnh.
Tìm hết túi trước đến túi sau được 3 triệu đồng, một thành viên trong đoàn đã gửi tặng hết số tiền này cho anh với hy vọng có thể cùng sẻ chia với những khó khăn của gia đình, bên cạnh món quà từ chương trình "Tình thương cho em".
Nhưng đây không phải là lần cá biệt, rất nhiều lần trong những chuyến đi của chương trình, thành viên trong đoàn đã kín đáo lấy tiền của cá nhân dúi thêm vào tay những người mẹ, người cha đang chật vật lo toan cho gia đình sau biến cố.
Đó là những lần hỗ trợ mà người gửi không cần để lại họ tên, chỉ mong những sẻ chia này sẽ được đón nhận và bằng cách này hoặc cách khác sẽ giúp vơi bớt nỗi buồn trong đôi mắt trẻ thơ. Đó cũng là một trong những câu chuyện phía sau làm đẹp hơn chương trình "Tình thương cho em".
Nhưng cũng không ít lần khi chương trình lặn lội đến thăm, các em và người nhà đã từ chối gặp mặt dù trước đó, chúng tôi đã được chính quyền địa phương kết nối. Như lần chúng tôi đến thăm một hoàn cảnh mất cả cha và bà ngoại do dịch bệnh, đang sống cùng mẹ và anh trai tại quận 10 (TP HCM).
Trong vòng 1 tuần, sự ra đi đột ngột của cả 2 người thân trong gia đình khiến những người ở lại gặp rất nhiều khó khăn để tiếp tục cuộc sống. Ám ảnh dịch bệnh, họ gần như tách biệt xã hội. Chuyện tiếp cận nhằm động viên, chia sẻ trong những tình huống này là thách thức không hề nhỏ với chương trình "Tình thương cho em".
Tuy nhiên, bằng tất cả sự cảm thông với gia đình và trân quý những gửi gắm từ bạn đọc, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, chúng tôi vẫn kiên nhẫn tìm cách chuyển đến tận tay các em cùng người thân những món quà hỗ trợ từ chương trình.
Những trở ngại đã "ngốn" thêm của chúng tôi không ít thời gian, công sức để thực hiện chương trình "Tình thương cho em". Nhưng trong vòng 3 tháng, kể từ ngày phát động đến nay, "Tình thương cho em" đã tiếp nhận hỗ trợ ở con số 2,15 tỉ đồng, tương đương 430 phần hỗ trợ, thực hiện hàng trăm chuyến thăm hỏi khắp 21 quận, huyện và TP Thủ Đức (TP HCM) cùng nhiều tỉnh, thành miền Trung và ĐBSCL để trao tận tay quà hỗ trợ cho những đứa trẻ mồ côi vì Covid-19.
Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM, nhận xét Ban Biên tập và đội ngũ biên tập viên, phóng viên, nhân viên của Báo Người Lao Động luôn canh cánh nỗi lo chung của người dân gặp khó khăn, luôn có ý thức trách nhiệm trong việc chung tay cùng chính quyền chăm lo đối tượng yếu thế trong xã hội, để không một ai bị bỏ lại phía sau.
Khép lại chương trình “Tình thương cho em” nhưng Báo Người Lao Động vẫn đã, đang và tiếp tục có những hoạt động thiết thực hướng đến trẻ em mồ côi vì dịch Covid-19, để viết tiếp những trang ký ức về tình người sau đại dịch.
Bình luận (0)