Năm 2021, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội nhưng chính trong bối cảnh đầy thách thức đó, làn sóng chuyển đổi số lại diễn ra mạnh mẽ. Một năm qua tiến nhanh bằng nhiều năm trước đây cộng lại.
Còn nhiều rào cản
Tuy nhiên, kinh tế số ở Việt Nam đang gặp phải một số rào cản lớn. Trong đó có việc hạ tầng cho kinh tế số chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp, hệ thống thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, hệ thống luật pháp còn thiếu những quy định và hành lang pháp lý phù hợp cho một số mô hình kinh tế dựa trên nền tảng số.
Ngoài ra, Việt Nam cũng còn thiếu sự quan tâm đúng mức với sự phát triển của một số công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), chưa có luật và khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến AI, quyền sở hữu trí tuệ...
Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) có công nghệ nhưng không có năng lực kỹ thuật số như: kỹ năng làm việc trong môi trường số, tư duy số của lãnh đạo DN; xây dựng văn hóa kỹ thuật số và những nhận thức, khả năng ứng dụng công nghệ vào hoạt động của đơn vị...
Điều tra mới đây của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy hầu hết DN Việt vẫn chưa biết bắt đầu chiến lược chuyển đổi số từ đâu. Tư duy ngại thay đổi, sợ rủi ro là rào cản lớn nhất trong cộng đồng DN hiện nay.
Những DN có quy mô vừa và nhỏ rất mơ hồ về khái niệm chuyển đổi số. Phần lớn chưa tiếp cận các công nghệ kỹ thuật số, chưa được trang bị tư duy kinh doanh trên nền tảng số, thiếu sự thấu hiểu khách hàng, thiếu nguồn thu thập và lưu trữ dữ liệu vận hành, thiếu chiến lược kinh doanh trên nền tảng số.
Cùng với đó, chi phí DN bỏ ra để phục vụ chiến lược chuyển đổi số không nhỏ nếu muốn có nền tảng số riêng cho mình.
Ngoài ra, các chính sách và khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh và còn nhiều kẽ hở trong việc giải quyết các tranh chấp, cụ thể là vướng mắc trong các quy định về giao dịch điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử, quy định trách nhiệm của các bên khi xảy ra tranh chấp... khiến DN ngại đẩy mạnh chuyển đổi số.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất may mặc tại Tổng Công ty CP Phong PhúẢnh: Hoàng Triều
Xây dựng chiến lược, lộ trình cụ thể
Với chuyển đổi số thì 70% là tầm nhìn, là quyết tâm của con người, công nghệ chỉ chiếm 30%. Ba yếu tố quyết định thành công của DN trong chuyển đổi số là: con người, thể chế và công nghệ.
Tuy nhiên, phần lớn khó khăn, thách thức đối với DN là thay đổi thói quen và nhận thức. Rủi ro của môi trường số là an toàn, an ninh mạng, quản trị dữ liệu, tính riêng tư, giảm việc làm…
Vì vậy, DN phải xây dựng chiến lược, lộ trình cụ thể: lập bộ phận chuyên trách thực hiện chuyển đổi số, đồng hành với chuyên gia tư vấn, thực hiện từng cột mốc...
Nói cách khác, phải tập trung nguồn lực để nâng cao kỹ năng số cho lực lượng lao động hiện nay. Nếu không, sẽ thu được rất ít thành quả từ quá trình này.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, hiện ở nước ta, lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm đa số. Lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5%; cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới).
Tổ chức Lao động quốc tế cũng nhận định khoảng 70% việc làm ở Việt Nam có nguy cơ cao bị thay thế bởi tự động hóa trong 10 năm tới.
Để nguồn nhân lực thích ứng với kinh tế số, nhất thiết phải tập trung vào công tác đào tạo. Mỗi người lao động phải được đào tạo lại và đào tạo nâng cao một cách thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh đó là thu hút và giữ chân nguồn nhân lực có kỹ thuật số bằng các chính sách đãi ngộ, không chỉ là tiền lương mà còn các chế độ đãi ngộ khác ngoài lương, nhất là các chuyên gia công nghệ thông tin.
Tập trung mạnh mẽ vào việc trang bị cho nguồn nhân lực hiện tại và lực lượng lao động tương lai những kỹ năng số cần thiết để tiếp cận các cơ hội số, thông qua những chương trình đào tạo kỹ năng số dành riêng cho từng lĩnh vực; tăng cường cơ hội học nghề liên quan khoa học, công nghệ và kỹ thuật toán học.
Thị trường lao động cần được thiết kế linh hoạt hơn, cho phép người lao động có thể dễ dàng chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác.
Cần có nhiều khóa bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo để lan tỏa thông tin, khái niệm, kiến thức về kinh tế số đến tất cả đối tượng, từ đội ngũ lãnh đạo quản lý cho đến người triển khai thực hiện; thay đổi lại các chiến lược, chương trình đào tạo.
Khi có những hiểu biết nhất định, sẽ thay đổi về tư duy và có sự phát triển kinh tế số tốt hơn. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin đầy đủ cho người lao động về các xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động, giúp họ đưa ra quyết định chính xác, kịp thời.
Trong thời đại ngày nay, sức mạnh của một quốc gia được đo bằng sự phát triển của công nghệ cao, thông tin và trí tuệ con người.
Mời tham dự cuộc thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì; phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)