Năm 1997, trong một chuyến đi từ thiện giúp đồng bào tỉnh Thừa Thiên-Huế bị thiên tai lũ lụt, thượng tọa Thích Duy Trấn (Phó Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo quận 11, TP HCM; trụ trì chùa Liên Hoa) nhìn thấy sách vở của các học sinh ở một vài trường ố vàng hơn cả những tờ vàng mã mà mọi người đem tới chùa để đốt. Từ đó, ông luôn trăn trở, suy nghĩ về việc phải làm gì đó giúp học sinh nghèo, để nhiều người có điều kiện cùng nhau tạo phước.
Trở về TP HCM, lại chứng kiến cảnh nhiều người đốt vàng mã với những tập giấy còn đẹp hơn giấy những học trò ở vùng sâu vùng xa học, nhà sư Thích Duy Trấn quyết định vận động các Phật tử khi đến lễ chùa không sử dụng vàng mã, để dành tiền làm từ thiện. Thế là từ ngày 30-6-1998 chùa Liên Hoa có bảng thông báo: "Các Phật tử khi vào chùa cúng vong linh, xin miễn đốt giấy tiền, vàng mã để lấy số tiền chuẩn bị đốt, chuyển thành tiền thật, cứu giúp bà con nghèo và học sinh vùng sâu vùng xa".
Có người thắc mắc. Có người phản ứng mạnh hơn bằng cách xin thỉnh hũ cốt của người thân về nhà để thờ…Dù vậy chùa vẫn kiên trì thực hiện. Sau hơn 20 năm thực hiện không đốt vàng mã, đã có hàng chục ngàn phần quà dành cho trẻ em nghèo…"Vì tôi tin rằng đó là việc làm mang lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc đời"- thượng tọa giãi bày trong tọa đàm bàn về giải pháp tuyên truyền, vận động đồng bào tín ngưỡng, tôn giáo không đốt, rải vàng mã trong việc tang, lễ hội trên địa bàn TP HCM, tổ chức sáng 18-10.
Vàng mã là nhà cửa, xe cộ vẫn được nhiều người mua về đốt cho người ở cõi âm
Việc không đốt vàng mã còn góp phần xây dựng đời sống văn minh mà cụ thể hơn hết là ngăn ngừa, phòng chống cháy nổ trong khu dân cư. Ông Đỗ Trung Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, thống kê năm 2017 tại TP có 10 vụ cháy nguyên nhân do đốt vàng mã. Chính vì vậy, theo ông là cần phải tuyên truyền, vận động người dân không đốt vàng mã trên địa bàn TP.
Đồng thuận với ý kiến không nên đốt vàng mã, thượng tọa Thích Duy Trấn nhận định: Tưởng niệm người thân quá cố bằng một chút nghi thức cổ truyền như thắp 1 nén nhang, bày một dĩa trái cây, ly rượu, cũng đủ để tỏ lòng nhớ thương. Cái chính vẫn là tấm lòng của mình, đâu cần phải bỏ ra từng đống tiền, mua bao nhiêu vàng mã về đốt!"
"Đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt "đốt giấy tiền vàng mã" để trả lại bầu trời xanh cho thiên nhiên, trả lại sự an toàn của phòng cháy chữa cháy "- thượng tọa trụ trì chùa Liên Hoa nhận xét.
Vàng mã là các loại tiền được bán đầy ở các chợ, cửa hàng
Dù vậy, theo ý kiến của một số người, việc dừng đốt vàng mã không thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều mà cần thực hiện dần vì đó là tín ngưỡng từ bao đời nay.
Hòa thượng Thích Chơn Không (chùa Thiên Tôn, quận 5) lý luận: "Đốt vàng mã là một tập tục đã có từ lâu đời trong dân gian. Xét về mặt tích cực thì đây là một hình thức bày tỏ sự quan tâm, tiếc thương của thân nhân dành cho người quá cố, cần nên duy trì có chọn lọc! Nhưng nếu nghĩ rằng: Người quá cố nhận được vàng mã để tiêu dùng trong cõi âm là mê tín dị đoan, không phù hợp với giáo lý nhà Phật. Cho nên chúng tôi khuyên mỗi lần cúng cơm, tang quyến chỉ đốt tượng trưng khoảng 10 lá vàng bạc với tấm lòng thành là đủ. Không cần phải đốt nhiều, không đốt lai rai và tuyệt đối không rải vàng mã khi đưa đám…"
Bình luận (0)