Thời gian gần đây, nhiều vụ án mạng liên tiếp xảy ra mà nguyên nhân chỉ là những chuyện “lãng xẹt”. Đối tượng gây án đa phần đều chưa tiền án, tiền sự nhưng hành vi lại cực kỳ tàn nhẫn.
Nguyên cớ vu vơ
Sáng 10-8, Công an tỉnh Vĩnh Long đã thông tin chính thức về việc bé trai 11 ngày tuổi bị bà Nguyễn Thị Vân dùng dao đâm xuyên trán. Theo cơ quan công an, bước đầu bà Vân khai nhận do bị sui gia chê bệnh tâm thần nên mặc cảm, buồn phiền, muốn giết đứa bé để chứng minh... mình bị bệnh.
Dù công an đang tiếp tục làm rõ động cơ bà Vân tấn công cháu bé nhưng vụ việc này một lần nữa khiến dư luận căm phẫn lẫn bàng hoàng. Trước đó 1 tuần, 2 cháu bé (10 và 4 tuổi) ở Nghệ An cũng là nạn nhân trong một vụ án mà nguyên nhân chỉ vì người dượng (Võ Văn Mùi, 36 tuổi) cãi nhau với mẹ vợ. Sau đó, y nhẫn tâm dùng gậy tre đánh làm cháu bé 4 tuổi tử vong, cháu còn lại bị trọng thương.
Tại Đồng Nai, ngày 26-7, chỉ vì anh Lưu Minh Trung (22 tuổi, ngụ xã Phú Xuân, huyện Tân Phú) giặt giẻ lau làm văng nước ra xung quanh mà bà Nguyễn Thị Ánh Hồng (41 tuổi, bán thịt heo ở chợ Phương Lâm, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) tức giận, dẫn đến cãi nhau. Thấy Trung xông tới định đánh, sẵn dao trong tay, bà Hồng đâm 2 nhát trúng ngực và bụng khiến nạn nhân tử vong.
Trước đó, tối 17-8, Phan Thành Luân (19 tuổi, tạm trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cùng nhóm bạn đi uống nước mía tại quán của Nguyễn Thành Trường (31 tuổi, trú quận Thanh Khê). Khi tính tiền, nhóm Luân và Trường xảy ra mâu thuẫn vì Luân chê ly nước mía đắt. Sau đó, Luân bị Trường cùng 2 đối tượng đánh chết.
Một vụ án mạng khác cũng hết sức lãng nhách: Vì từ chối nhậu tiếp mà anh Đỗ Văn Oanh (24 tuổi) bị nhân viên một quán thịt vịt trên phố Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) lao vào đâm chết, 3 người bạn đi cùng bị thương nặng. Vụ việc xảy ra vào rạng sáng 15-6...
Áp lực cuộc sống, khiếm khuyết giáo dục
Từng nhiều năm ngồi ghế thẩm phán, luật sư Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên thẩm phán, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, đã nghỉ hưu) cho biết trước đây, đa số những vụ án cố ý gây thương tích, giết người xuất phát từ mâu thuẫn trong thời gian dài và phải thực sự “bế tắc”, người ta mới sử dụng dao, búa để thanh toán nhau.
“Bây giờ, người ta dùng dao kéo, mã tấu xử nhau như phim hành động. Trả lời câu hỏi vì sao lại như vậy thật sự khó vì không có một nguyên nhân nào rõ ràng để chứng minh cho hệ quả này. Tôi có đọc ở đâu đó, một chuyên gia tâm lý giải thích rằng có thể do sự cô đơn nên dẫn đến hành vi giết người, cướp của, đâm chém. Song, biết bao nhiêu người cô đơn mà họ vẫn sống tốt đó thôi” - bà Thủy trăn trở.
Theo luật sư Thủy, có thể những biến chuyển xã hội quá nhanh, sự bức bách về kinh tế gia đình khiến con người thêm gánh nặng và gia tăng sự bực tức, trút gánh nặng của mình lên người khác bằng cách ra tay không suy nghĩ. Đôi khi sự vô cảm, lạnh lùng của người xung quanh đối với một sự việc, hiện tượng cũng là nguyên nhân làm cho nạn bạo lực gia tăng...
Luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật) cho rằng đây là hệ lụy tất yếu của sự phát triển xã hội khi không đề cao vấn đề giáo dục đạo đức một cách thực sự. Nói cách khác, nguyên nhân đầu tiên là khiếm khuyết ở sự giáo dục - giáo dục ở nhà trường, xã hội, gia đình và tự giáo dục của bản thân.
“Hơn chục năm trước, khi nghe có vụ giết người hơi bất thường đã là cú sốc lớn với xã hội. Thế nhưng càng ngày, số vụ bất thường càng tăng, có nghĩa là tác động nền tảng lệch chuẩn vào một bộ phận dân chúng gia tăng. Như vậy, cần phải điều chỉnh từ việc xây dựng nền tảng chuẩn mực xử sự trong xã hội qua các hệ thống giáo dục. Chẳng hạn, chúng ta không thể cấm internet mà chỉ còn cách định hướng tốt các thông tin cần dung nạp. Song song đó là các chế tài pháp luật sao cho vừa có tính răn đe vừa trừng phạt nghiêm khắc, công minh” - luật sư Công nhìn nhận.
Với góc nhìn về mặt tâm lý xã hội, GS-TS Vũ Gia Hiền phân tích: Xã hội công nghiệp khiến cho sự căng thẳng do lao động và áp lực cuộc sống gia tăng. Hiện tượng xã hội này hoàn toàn có thể ngăn ngừa nếu các cá nhân tự chủ tốt về tâm lý hoặc có sự hỗ trợ về tư vấn, tham vấn khi thấy áp lực quá tải tâm lý xuất hiện. Đáng tiếc, hiện chúng ta vẫn chưa quan tâm nhiều, chưa xem áp lực tâm lý là một hiện tượng có thể dẫn đến những hành vi mất kiểm soát.
“Đây là một hiện tượng xã hội đáng lo ngại mà các cơ quan chức năng cần khẩn trương tìm cách giải quyết, không thể chần chừ thêm nữa” - luật sư Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh.
Bình luận (0)