Hiện nay, tình trạng trẻ hóa tội phạm đang là vấn đề đáng báo động. Theo số liệu tôi có được, những năm qua, trung bình mỗi năm, có trên 10.000 vụ tội phạm hình sự do người chưa thành niên gây ra.
Nhiều nguyên nhân phạm tội
Một số vụ điển hình mà đối tượng phạm tội là người chưa thành niên làm rúng động dư luận cả nước như Lê Văn Luyện (ngụ tỉnh Bắc Giang) giết 3 người trong gia đình chủ tiệm vàng, Võ Nhật Trường (ngụ tỉnh Bình Định) chưa đầy 16 tuổi đã giết bà nội của mình (83 tuổi) để cướp 700.000 đồng. Hay gần đây là vụ Nông Văn Công (ngụ tỉnh Hà Giang) giết mẹ ruột chỉ để cướp 2,8 triệu đồng và một sợi dây chuyền bạc...
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, theo tôi, có một số nguyên nhân chính sau: Trước tiên, có thể xuất phát từ hoàn cảnh gia đình của người phạm tội. Cha mẹ thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái; quá nuông chiều hoặc quá kỳ vọng vào con cái đều có thể dẫn đến tình trạng trẻ phạm tội. Đáng nói là cha mẹ nghiện ngập, cờ bạc, làm ăn phi pháp, có tiền án tiền sự, ly hôn, đánh đập con cái... cũng có thể dẫn đến việc các em bị lôi kéo vào con đường phạm pháp.
Tâm lý của trẻ vị thành niên cũng là một nguyên nhân quan trọng. Tuổi này đang phát triển về tâm sinh lý và nhân cách, còn non nớt về nhận thức nên dễ bị ảnh hưởng của môi trường sống. Do đó, khi không được gia đình, nhà trường quan tâm, họ dễ bị lôi kéo, lợi dụng để phạm tội.
Một vấn đề đáng quan tâm là sự thay đổi quá nhanh của xã hội, cùng với đó là các tệ nạn như trộm cắp, ma túy, mại dâm... Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã khiến một bộ phận giới trẻ lâm vào tình trạng sống ảo, bị lôi cuốn vào các trò chơi thiếu lành mạnh, bạo lực.
Cần tăng cường phòng ngừa
Ở góc độ pháp luật, các quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam luôn có những quy định riêng đối với người chưa thành niên phạm tội. Ngoài việc chịu trách nhiệm về hành chính, họ còn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bộ Luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định không phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội; hạn chế áp dụng hình phạt tù, không áp dụng hình phạt bổ sung, không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Khi phạt tù có thời hạn, tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng.
Trước tình trạng tội phạm do người chưa thành niên thực hiện ngày càng gia tăng, khi sửa đổi Bộ Luật Hình sự lần này, có nhiều quan điểm cho rằng cần quy định một số ít trường hợp người chưa thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng theo hướng khống chế hình phạt tối đa lên đến 20 năm hoặc tù chung thân để phù hợp hơn với thực tiễn. Nếu ý kiến này được chấp nhận thì cùng với các biện pháp khác, việc quy định tăng hình phạt sẽ có tính răn đe mạnh hơn và có thể giúp giảm thiểu tình trạng trẻ hóa tội phạm.
Tuy nhiên hiện nay, dự thảo luật vẫn giữ nguyên quy định cũ là không áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên. Điều này được lý giải là phù hợp với pháp luật quốc tế, bảo đảm nguyên tắc: “Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên”. Tức là việc xử lý người chưa thành niên phạm tội không nhằm mục đích trừng trị, mà lấy giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, trở thành người có ích cho xã hội. Dự thảo Bộ Luật Hình sự đã bổ sung các biện pháp thay thế xử lý hình sự như khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục tại cơ quan, tổ chức. Việc giảm thiểu tình trạng người chưa thành niên phạm tội phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố; tức là chúng ta phải có các biện pháp để phòng ngừa chứ không phải chỉ tăng hình phạt lên nhằm mục đích trừng trị.
Xem thường tính mạng của mình
Một bộ phận giới trẻ hiện nay coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác và của chính mình. Họ sẵn sàng làm mọi việc để có thể thỏa mãn các nhu cầu của bản thân, bất chấp nhu cầu đó có chính đáng hay không, việc làm của mình có phạm pháp hay không. Đây là một tình trạng đáng báo động đối với gia đình, nhà trường và toàn xã hội khi không có những biện pháp giáo dục, định hướng cho giới trẻ một cách đầy đủ.
Bình luận (0)