Gần đây, Hà Nội và Hải Phòng đã thử nghiệm xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư theo cách thu thập thông tin từ đầu như kiểu điều tra xã hội học. Phương pháp này chỉ xây dựng được CSDL dân cư với thông tin “chết”, không thể bàn đến việc thay hộ khẩu bằng CMND thông minh.
Bảo đảm tính duy nhất
Muốn xây dựng CSDL dân cư “sống”, phải tập trung điện tử hóa, đồng thời 3 hệ: tàng thư CMND, hộ khẩu và hộ tịch, sau đó kết nối chúng với nhau thông qua số CMND. Để kết nối được 3 hệ trên thì số CMND phải bảo đảm được tính duy nhất suốt đời.
Từ năm 1976, nước ta đã đưa vào sử dụng hệ thống tàng thư vân tay CMND tại tất cả các địa phương. Tuy nhiên, hệ tàng thư CMND hiện nay có 2 tồn tại: Thứ nhất, một công dân di chuyển hộ khẩu đi nhiều tỉnh sẽ có nhiều CMND với nhiều số khác nhau. Về mặt lý thuyết, một công dân có nhiều số nhưng nhờ được bảo đảm bằng vân tay nên những số này vẫn là số riêng của công dân đó, không trùng với số của công dân khác. Thứ hai, chưa xây dựng được tàng thư trung ương và tàng thư vân tay 10 ngón tại các địa phương, khả năng phát hiện lỗi đăng ký trùng lặp (một người có nhiều số và một số cho nhiều người) có nhiều hạn chế.
Đối với tồn tại thứ nhất, Bộ Công an chỉ cần quy định lại công dân khi chuyển hộ khẩu từ tỉnh này sang tỉnh khác có thể xin cấp đổi CMND, lăn tay, chụp ảnh lại để lưu tàng thư ở tỉnh mới nhưng phải giữ đúng số CMND ban đầu đã cấp.
Tồn tại thứ hai chỉ có thể khắc phục bằng giải pháp điện tử hóa tàng thư dùng công nghệ nhận dạng vân tay tự động (AFIS). Về công nghệ này, hiện chúng ta đã làm chủ nên trong vòng dưới 10 năm hoàn toàn có khả năng điện tử hóa tất cả tàng thư địa phương và hợp nhất thành CSDL CMND trung ương cho cả nước cùng sử dụng.
Như vậy, giải pháp đúng đắn nhất để hiện đại hóa hệ thống CMND là kế tục và kiện toàn hệ CMND hiện hành, tập trung điện tử hóa tất cả tàng thư CMND địa phương và hợp nhất thành CSDL CMND trung ương, sau đó cho thay đổi đồng loạt hình thức CMND mới như thay phôi mới, bổ sung phần giành cho máy đọc nhưng vẫn giữ nguyên số CMND 9 chữ số, chỉ cấp đổi lại số mới đối với công dân bị trùng số với người khác.
Quyết định cho toàn dân đổi số CMND mới 12 chữ số mà không kế thừa hệ CMND cũ 9 chữ số là sự tốn kém không cần thiết. Nguyên tắc về tính duy nhất suốt đời của số căn cước sẽ bị phá vỡ nếu công dân hết thời hạn CMND cũ được cấp đổi lại CMND mới với số mới. Nếu kế thừa và sửa lỗi hệ thống CMND cũ 9 chữ số sẽ ít tốn kém, bảo đảm được tính duy nhất, không ảnh hưởng đến hệ thống hồ sơ nghiệp vụ, không gây phiền hà cho người dân.
Chưa cần thẻ căn cước trẻ em
Trong khi CSDL dân cư còn lâu mới xây dựng được, nhiều người đề cập việc dùng thẻ căn cước thay cho giấy khai sinh. Theo cách hiểu của người viết, nói “thẻ căn cước trẻ em thay giấy khai sinh” không có nghĩa là không cần phải làm giấy khai sinh nữa, mà khi trẻ em có thẻ căn cước thì có thể dùng thẻ này để chứng minh danh tính, không cần trình giấy khai sinh như hiện nay.
Như chúng ta đều biết, giấy khai sinh là văn bản gốc chứng nhận sự ra đời của một công dân do chủ tịch xã/phường cấp. Còn giấy căn cước trẻ em, nếu có, cũng phải dựa theo giấy khai sinh do cơ quan công an cấp. Vì vậy, không cái nào thay thế được cái nào.
Tuy nhiên, việc cấp thẻ căn cước cho trẻ em là một vấn đề. Về mặt nghiệp vụ căn cước, việc cấp số căn cước cho công dân nhằm mục đích kết nối thông tin nhiều mặt của công dân để có một bức tranh đầy đủ về hoạt động của công dân đó. Trẻ em dưới 14 tuổi chưa có hoạt động gì đáng kể, có chăng chỉ là việc quản lý số lượng mà điều này có thể thực hiện thông qua người giám hộ. Trong khi vấn đề căn cước của người lớn còn chưa giải quyết được thì không nên ôm thêm vấn đề căn cước trẻ em vốn chưa thực sự cấp thiết.
Đơn giản, thuận tiện mà vẫn quản lý tốt
Hiện nay, mỗi công dân phải “gánh” trên mình đủ loại thẻ, giấy tờ: CMND, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, thẻ công nhân viên… Chỉ riêng việc quản lý hộ khẩu, từ thực tế cho thấy, ngày càng phát sinh nhiều phức tạp. Việc đăng ký hộ khẩu thường trú hiện nay được điều chỉnh bởi khoảng hơn 300 điều quy định thuộc nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn, dẫn đến chồng chéo, rườm rà, gây phiền hà cho người dân và làm khó công tác quản lý.
Thêm vào đó, việc vào sổ, lưu trữ dữ liệu hộ khẩu làm theo phương pháp thủ công khiến khả năng tra cứu rất hạn chế. Đã có trường hợp cố tình vi phạm khi 1 người đăng ký 2 hộ khẩu thường trú. Hoặc người dân chuyển chỗ ở nhiều lần, nơi quản lý hộ khẩu thường trú ban đầu không biết được công dân hiện ở đâu...
Điều người dân mong muốn là mọi thủ tục, giấy tờ đơn giản, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu giao dịch, cư trú bất cứ nơi đâu trên đất nước và nhà quản lý vẫn có thể quản lý tốt xã hội. Tuy nhiên, trước khi ban hành bất cứ quyết định nào, nhà làm luật cần xem xét quy định mình đưa ra có được người dân đồng thuận hay không. H.M.Anh
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!