Phát biểu tại Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội sáng 9-6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng ban soạn thảo dự án Luật Căn cước công dân - Bộ Công an cần tính toán kỹ lưỡng và đánh giá hết những tác động của việc cấp căn cước công dân thay thế cho chứng minh nhân dân (CMND).
“Cấp căn cước công dân để hướng tới yêu cầu quản lý hiện đại thì phải tính toán lộ trình như thế nào để thay thế cho hệ thống giấy tờ hiện nay. Phải hết sức cẩn thận, đừng nên quá đơn giải hóa. Phải tính toán phương án thay thế cho giấy tờ cũ một cách đơn giản, thuận thiện. Chừng nào chưa tính toán được hết những vấn đề này thì chưa vội làm” - Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ.
Theo ông Nghị, mặc dù dự án luật cho rằng thẻ căn cước công dân khó làm giả nhưng thực tế cho thấy “cái gì làm lại được thì đều làm giả được”. “Như Ngân hàng Nhà nước trước đây nói giời nói biển là tiền polymer khó làm giả nhưng giờ người ta vẫn làm giả đấy thôi” - Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn chứng.
Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, bày tỏ nhiều lo lắng xung quanh việc cấp căn cước thay thế cho CMND hiện hành. Tướng Chung đề nghị ban soạn thảo dự án Luật Căn cước công dân cần phải quy định rõ ràng hơn về việc cấp, quản lý cơ sở dữ liệu căn cước công dân, thẩm quyền cập nhật, khai thác, dữ liệu quốc gia về dân cư…
Tướng Nguyễn Đức Chung dẫn chứng: Hà Nội triển khai thực hiện một dự án thu thập dữ liệu dân cư từ năm 2007 nhưng đến tới năm 2009 mới được phê duyệt. Để thực hiện dự án này, Hà Nội đã đầu tư khoảng 60 tỉ đồng, thuê công ty NEC của Nhật Bản viết chương trình phần mềm và triển khai thí điểm ở 5 quận nội thành. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn chưa được nghiệm thu, làm xong cũng không sử dụng được, phần mềm của NEC không tương thích với bất kỳ chương trình nào của Bộ Công an đang triển khai.
Ngoài ra, người đứng đầu lực lượng Công an Hà Nội cũng dẫn chứng thêm rằng chương trình thu thập dữ liệu dân cư sử dụng công nghệ của Hungary mà Bộ Công an triển khai thực hiện ở TP Hải Phòng đến nay cũng chỉ mới thu thập được khoảng 300 ngàn người dân, rất khiêm tốn.
“Hà Nội lại đang thực hiện việc cấp CMND 12 số trên toàn bộ thành phố. Đã có đại biểu nói rằng việc này gây phiền hà. Và nếu khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực (dự kiến từ tháng 7-2015) thì sẽ tồn tại 3 loại giấy tờ: CMND 9 số, CMND 12 số và căn cước công dân. Đến năm 2020-2022 thì mới thực hiện trên toàn quốc thì toàn bộ người dân trên cả nước mới có thể sử dụng thẻ căn cước” - tướng Chung nói.
Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết để giảm phiền hà cho người dân khi tiến hành thực hiện các giao dịch dân sự, Công an Hà Nội đã cấp những xác nhận thay đổi CMND từ 9 số lên 12 số để người dân ép plastic. Tuy nhiên, có thể người dân sẽ luôn phải mang theo tờ giấy ép plastic này khi thực hiện các giao dịch từ nay tới năm 2020.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cũng đặc biệt lo lắng về việc đào tạo con người để nhập thông tin dữ liệu về dân cư. Dẫn lại ví dụ về dự án của Hà Nội trước đây, NEC đào tạo 60 cán bộ nhưng đến nay chỉ còn lại 3 người, còn lại đã chuyển đi làm các việc khác. “Phải có quy định về việc ai được đào tạo về tin học thì phải phục vụ công việc quản lý, nhập dữ liệu” - tướng Chung kiến nghị.
Theo vị đại biểu là Giám đốc Công an TP Hà Nội, CMND 9 số đã ăn sâu vào rất nhiều giấy tờ của người dân nên việc thay thế bằng thẻ căn cước công dân sau này sẽ gây ra ảnh hưởng rất lớn. “Tôi nghĩ rằng để thay đổi hết các loại giấy tờ hiện nay liên quan đến CMND cũ thì người dân phải đi lại mấy tháng mới làm xong hết được. Chúng ta phải nghiên cứu kỹ, nếu không sau này sẽ rất rắc rối. Hơn nữa tôi cũng không rõ dự án luật này có trùng với Đề án 896 của Chính phủ (đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ công dân) không, bởi đang thấy đôn đốc rất quyết liệt. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá tác động, nếu không đánh giá hết tác động của nó tới luật khác sẽ tạo ra tốn kém của người dân” - tướng Chung bày tỏ.
Bình luận (0)