Vừa qua, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức tọa đàm "Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng". Đây cũng là vấn đề khiến dư luận quan tâm bởi sau sự cố trâu húc chết chủ xảy ra trong vòng đấu loại hồi tháng 7-2017, đã có nhiều ý kiến đặt ra nên giữ hay bỏ lễ hội này.
Không thể mai một, mất đi
Ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, cho biết lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có điểm khác biệt rất riêng so với những nơi khác. Đó là ngoài phần hội, phần nghi lễ là yếu tố đặc biệt quan trọng với người dân. Chính điều này đã được các nhà khoa học nghiên cứu trước khi làm đề xuất công nhận lễ hội là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Là người được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao danh hiệu nghệ nhân dân gian vì những cống hiến, đóng góp lớn với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, ông Hoàng Gia Bổn (phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) khẳng định lễ hội chọi trâu truyền thống là tinh thần của người dân miền biển Đồ Sơn, không thể mai một, mất đi được. Theo ông Bổn, không chỉ những người có trâu tham gia trực tiếp lễ hội chọi trâu mà cả người dân Đồ Sơn, người dân Hải Phòng đều mong muốn duy trì lễ hội truyền thống này bởi gắn liền với văn hóa dân gian lưu truyền ở những ngôi đình cổ thờ thành hoàng, những điển tích ghi dấu về lễ hội chọi trâu. "Bỏ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn chẳng khác gì bỏ đi cồng chiêng Tây Nguyên để rồi sau đó lại phải khôi phục lại" - ông Bổn nói.
Trâu chọi húc chết chủ xảy ra vào tháng 7-2017 Ảnh: PHONG PINK
GS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, thì cho rằng không nên và không thể vì một sự cố hy hữu mà vội áp đặt cấm lễ hội, cấm chọi trâu. Tuy nhiên, duy trì cách thức tổ chức mô hình tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn như cũ cũng là điều không nên, không thể.
Còn theo TS Nguyễn Viết Chức, Viện Văn hóa Thăng Long, việc cấm chọi trâu vì bạo lực có lẽ chưa đủ sức thuyết phục. Ông Chức đặt vấn đề nếu cấm chọi trâu Đồ Sơn thì có cấm chọi trâu Hải Lựu, Lập Thạch (Vĩnh Phúc), Phúc Thọ (Hà Nội) không? Lý do cấm là gì? "Lễ hội chọi trâu đã có từ lâu rồi, có bao nhiêu lần xảy ra sự cố chết người? Liệu sự cố năm nay có thuộc "diện hy hữu" không? Nếu vì "hy hữu" mà cấm thì có nên không? Nếu không cấm lại xảy ra chết người nữa thì sao? Ai chịu trách nhiệm?" - ông Chức đặt câu hỏi.
Cần chấn chỉnh công tác tổ chức
Đồng ý vẫn nên tiếp tục duy trì lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, tuy nhiên, GS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nhấn mạnh đến việc phải được chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức trên cơ sở những tập tục truyền thống, từ việc bầu chọn chủ trâu đến các khâu tuyển chọn, nuôi dưỡng, huấn luyện trâu chọi, cách thức tham gia các hoạt động lễ và hội.
"Phải đổi mới các hoạt động quản lý, tổ chức lễ hội cho phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu hiện tại của xã hội. Tăng cường hơn nữa vai trò của nhà nước, cụ thể là các cơ quan chức năng của Bộ VH-TT-DL và UBND TP Hải Phòng, UBND quận, phường trong công tác quản lý, điều hành các hoạt động. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, phát huy tính chủ động của cộng đồng trong việc tham gia lễ hội nói riêng và hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung. Cần xem xét việc quản lý, tổ chức các lễ hội trong sự phát triển theo quan điểm bảo tồn trên cơ sở kế thừa" - GS Trương Quốc Bình nói.
Còn theo TS Nguyễn Viết Chức, để tổ chức tốt các lễ hội dân gian tại các "địa chỉ nóng", Bộ VH-TT-DL cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, phân công, phân nhiệm cụ thể từng cấp, từng bộ phận, từng cá nhân… bảo đảm công tác chỉ đạo, tổ chặt chặt chẽ, quyền hạn và trách nhiệm cá nhân rõ ràng. Điều quan trọng nhất là không để lễ hội chọi trâu bị méo mó vì thương mại hóa hay kiểu đánh bạc. Lễ hội phải được xem xét trả về đúng không gian lễ hội xưa nhưng sân đấu phải tổ chức khoa học, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tổ chức, khán giả và người dẫn trâu chọi. Về quy mô, cần xem xét để không vì lợi nhuận mở rộng vượt khỏi sự kiểm soát của địa phương. "Nói chung phải có những quy định, quy chế rõ ràng, nghiêm cẩn để không phải cấm một lễ hội dân gian như là một hoạt động văn hóa truyền thống của cư dân địa phương" - ông Chức nói.
Biến tướng
Nghệ nhân huấn luyện trâu chọi Đinh Đình Phú (82 tuổi, ngụ phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) nhìn nhận lễ hội này đã ăn sâu vào tâm thức người dân nhưng cách tổ chức lễ hội những năm qua đã biến tướng, sai lệch với những giá trị truyền thống vốn có.
"Lễ hội chọi trâu với người dân Đồ Sơn đã đi vào máu thịt, chúng tôi chưa bao giờ tính toán đến yếu tố kinh tế mà chỉ có ý thức duy nhất là gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống đã được lưu truyền từ xa xưa. Tiếc là, gần đây, khi có nhiều người tham gia thì ban tổ chức lại tính đến chuyện kinh tế làm bản chất của lễ hội bị biến tướng sang hướng khác" - ông Phú chia sẻ.
Bình luận (0)