Tại buổi tọa đàm “Nạn xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng?” do nhiều tổ chức xã hội về phòng chống bạo lực giới tổ chức chiều 14-3 tại Hà Nội, luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp (Hà Nội) đã đề xuất áp dụng biện pháp thiến hóa học đối với tội phạm xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em nhằm ngăn chặn khả năng tái phạm.
Nhiều nước đã thực hiện
Giải thích cho đề xuất này, luật sư Điệp cho biết nhiều quốc gia đã áp dụng hình phạt này như là cách răn đe dành cho những kẻ có ý định phạm tội, đồng thời là sự trừng phạt thích đáng với kẻ phạm tội.
Hoạn bằng hóa chất (thiến hóa học) là tiêm hoặc cho uống loại thuốc làm giảm ham muốn đến mức người đó mất khả năng thực hiện hành vi tình dục. Hình phạt này có thể thay thế án tù chung thân hoặc tử hình, cho phép thả tội phạm cưỡng hiếp sau thời gian ngồi tù nhất định mà vẫn giảm hoặc làm mất khả năng tái phạm của những đối tượng này. Quy trình thiến hóa học cũng được tiến hành theo nhiều dạng, có thể áp dụng đồng thời với án tù hoặc phạm nhân bị thiến sẽ được giảm bớt thời gian ngồi tù như ở Argentina, Úc, Estonia, Israel, Moldova, New Zealand, Ba Lan và Nga.
Trong bối cảnh XHTD đang diễn ra nghiêm trọng ở Việt Nam và có xu hướng gia tăng khi mỗi năm có 1.600-1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, số lượng năm sau cao hơn năm trước, một số chuyên gia cũng đồng tình với giải pháp này. Chiều 15-3, trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Đương - tiến sĩ luật, nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII - cho rằng đây là một biện pháp rất đáng để đưa ra bàn, nghiên cứu, bổ sung trong hệ thống hình phạt để duy trì trật tự xã hội hiệu quả hơn.
“Đúng là hình phạt này rất nghiêm khắc bởi nó làm mất khả năng sinh sản sau này (nhất là với những người chưa lập gia đình) nhưng sẽ tạo ra sự răn đe rất lớn đối với những người có ý định XHTD trẻ em” - ông Đương bày tỏ.
Nói về việc liệu thiến hóa học có vi phạm nhân quyền hay không, TS Đỗ Văn Đương nêu quan điểm ngay cả hình phạt tử hình cũng vậy, phạm tội giết người thì phải bị loại ra khỏi đời sống xã hội. Hình phạt này không nhân đạo với người phạm tội nhưng phải lựa chọn lợi ích xã hội lên trên. Quyền trừng phạt tội phạm là của xã hội, nếu dư luận xã hội lên án quá gay gắt thì nhà nước cần xem xét.
“Chúng ta không thể nói nhân quyền một cách chung chung. Mỗi thành viên trong xã hội phải tuân thủ trật tự xã hội và quyền của người khác. Nếu xâm phạm đến thân thể, quyền của người khác, lợi ích của cả cộng đồng thì lúc đó “quyền trừng phạt” của xã hội sẽ phải làm theo hướng hy sinh quyền con người của cá nhân phạm tội để bảo vệ trật tự công cộng, lợi ích xã hội” - ông Đương nhấn mạnh.
Luật không áp dụng nhục hình
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Sáu (TP HCM) - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TP HCM, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM - lại cho rằng không nên thực hiện hình phạt này.
Theo ông Sáu, các tội XHTD trẻ em cũng như xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người nói chung, trẻ em nói riêng đã được Bộ Luật Hình sự quy định về “tội phạm và hình phạt” rất đầy đủ, tùy tính chất, mức độ mà xử lý thỏa đáng nên không cần bổ sung thêm hình phạt thiến hóa học.
“Việc này không chỉ vi phạm nhân quyền mà luật của nước ta đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đến mức phải loại ra khỏi đời sống xã hội thì cũng chỉ áp dụng hình phạt tử hình chứ không áp dụng nhục hình” - ông Sáu phân tích.
Còn bác sĩ Phạm Vũ Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số (CCIHP, một tổ chức phi chính phủ), cho rằng biện pháp nào cũng phải xuất phát từ quy định của luật pháp. “Chúng ta chưa có quy định “thiến hóa học đối với kẻ ấu dâm thì đề xuất chỉ là đề xuất mà thôi. Để việc phòng chống nạn XHTD trẻ em hiệu quả, khi có kẻ phạm tội bị tố giác phải điều tra, truy tố, xử phạt một cách nhanh chóng, nghiêm minh. Đừng để tội phạm lẩn tránh, né tội hay được giảm nhẹ hình phạt” - ông Thiên nói.
Dưới góc độ y học, một chuyên gia trong lĩnh vực nam khoa ở Hà Nội cho biết thiến hóa học thực chất là một liệu pháp hormone với cách làm phổ biến là tiêm vào cơ thể đối tượng phạm tội chất kháng testosterone khiến nồng độ hormone testosterone trong cơ thể giảm xuống. Ngoài ra, có thể sử dụng loại thuốc gây ức chế thần kinh nhằm giảm những phản ứng quá mức, trong đó có cả việc giảm những ham muốn tình dục.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, đây là những loại thuốc phải sử dụng thường xuyên vì tác dụng của thuốc chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn, chưa kể chi phí rất tốn kém và ảnh hưởng đến sức khỏe bởi những tác dụng phụ. Vì vậy, dù tính răn đe cao nhưng với điều kiện kinh tế như hiện nay thì không khả thi.
Rà soát án dâm ô trẻ em trên toàn quốc
Chiều 15-3, VKSND Tối cao đã có văn bản thông báo chỉ đạo của ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao, về vụ án “Dâm ô đối với trẻ em” xảy ra tại phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cụ thể, dựa trên các báo cáo, ý kiến đánh giá của các cơ quan liên quan, Viện trưởng Lê Minh Trí chỉ đạo VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo VKSND TP Vũng Tàu yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an TP Vũng Tàu ra ngay quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Khắc Thủy về tội “Dâm ô với trẻ em” để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Thông qua vụ án này, yêu cầu Vụ Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án trật tự xã hội, viện trưởng VKSND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương rà soát ngay toàn bộ vụ việc, vụ án về loại tội phạm này trong toàn quốc và báo cáo bằng văn bản đến VKSND Tối cao trước ngày 20-3 để chỉ đạo xử lý nghiêm minh, chống bỏ lọt tội phạm.
N.Quyết - P.Dũng
Bình luận (0)